Mụn nội tiết ảnh hưởng lớn đến diện mạo, thậm chí khiến nhiều người cảm thấy tự ti, thu mình và mặc cảm. Vì vậy, các phương pháp điều trị mụn nội tiết luôn được quan tâm, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ.
Tìm hiểu về mụn nội tiết
Theo Cô Trần Thị Minh Tuyến – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, mụn nội tiết bao gồm các loại mụn trứng cá, mụn đầu đen, mụn bọc, mụn mủ,… có liên quan chặt chẽ đến sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Tỷ lệ phụ nữ bị mụn nội tiết cao hơn nam giới, đặc biệt trong các giai đoạn nhạy cảm như tuổi dậy thì, mang thai, chu kỳ kinh nguyệt hoặc thời kỳ mãn kinh. Nguyên nhân là do trong những thời điểm này, hormone nội tiết ở phụ nữ thay đổi đáng kể, dẫn đến các vấn đề về da, bao gồm sự xuất hiện của mụn.
Mụn nội tiết gây ra bởi nguyên nhân nào?
Ngoài nguyên nhân chính là rối loạn hormone, mụn nội tiết còn xuất phát từ nhiều yếu tố khác, bao gồm:
Yếu tố di truyền: Nếu ba mẹ từng bị mụn nội tiết do rối loạn hormone, con cái có nguy cơ cao gặp phải tình trạng tương tự, đặc biệt là ở bé gái.
Bụi bẩn và vi khuẩn: Bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ trên da làm tắc nghẽn lỗ chân lông, ngăn da thoáng khí và dần dần gây nổi mụn kèm theo viêm nhiễm. Khi đó, vùng da bị tổn thương có thể sưng đau, chảy dịch mủ hoặc chảy máu.
Tắc nghẽn lỗ chân lông: Khi lỗ chân lông bị bít tắc, dầu nhờn và tế bào chết tích tụ trên da, gây bóng nhờn hoặc bong tróc vảy, kèm theo sự xuất hiện của mụn, thậm chí là mụn mủ.
Thói quen sinh hoạt: Các thói quen không lành mạnh như:
- Thức khuya, ngủ không đủ giấc,
- Ăn thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ,
- Hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích,
- Thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, lo âu,có thể gây mất cân bằng nội tiết nghiêm trọng, dẫn đến mụn và các vấn đề về da.
Bệnh lý và tác dụng phụ của thuốc: Một số bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), u tuyến thượng thận, suy giáp, tiểu đường, và các bệnh liên quan đến tinh hoàn có thể gây ra mụn nội tiết. Bên cạnh đó, tác dụng phụ của thuốc điều trị các bệnh này cũng có thể dẫn đến nổi mụn nội tiết.
Dấu hiệu đặc trưng của mụn nội tiết
Theo chia sẻ từ Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, dưới đây là những dấu hiệu đặc trưng cho thấy bạn đang gặp phải mụn nội tiết:
- Mụn thường tập trung nhiều ở vùng xương hàm và cằm, nơi hormone nội tiết kích thích tuyến dầu hoạt động mạnh mẽ, dẫn đến hình thành mụn.
- Mụn tái phát theo chu kỳ, tương tự như chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
- Mụn không chỉ xuất hiện trong giai đoạn dậy thì hay mang thai mà còn có thể xuất hiện ở độ tuổi từ 20 đến 30, thời điểm mà tuyến dầu hoạt động mạnh nhất.
- Đặc biệt, mức độ căng thẳng và lo âu cao làm tình trạng mụn nội tiết trở nên trầm trọng hơn, thường biểu hiện dưới dạng mụn bọc và mụn mủ lớn, sưng đau.
- Việc điều trị mụn nội tiết rất khó khăn, ngay cả khi bạn đã điều chỉnh thói quen sinh hoạt và chăm sóc da một cách cẩn thận.
Phương pháp điều trị mụn nội tiết
Có nhiều phương pháp điều trị mụn nội tiết phù hợp với từng tình trạng cụ thể:
Trị mụn nội tiết bằng nguyên liệu tự nhiên
- Trà xanh: Chứa nhiều chất chống oxy hóa và có tính kháng viêm, giúp cải thiện mụn. Bạn có thể đắp mặt nạ trà xanh hàng ngày.
- Rau má: Có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm nhờ chứa saponin và triterpenoid.
- Rau diếp cá: Giúp kháng khuẩn và đào thải độc tố với hoạt chất quercetin và isoquercitrin.
Trị mụn nội tiết bằng sản phẩm chăm sóc da
Kết hợp sử dụng các sản phẩm chăm sóc như sữa rửa mặt, toner, serum, và kem trị mụn. Chọn sản phẩm phù hợp để tránh kích ứng.
Trị mụn nội tiết bằng thuốc
- Thuốc tránh thai hàng ngày: Giúp cân bằng hormone.
- Thuốc kháng sinh: Dùng cho mụn bọc, mụn mủ.
- Thuốc chống androgen: Ngăn ngừa hoạt động của tuyến bã nhờn.
- Thuốc chứa retinoids: Kháng khuẩn và tái tạo da, nhưng không dùng cho phụ nữ mang thai.
Ngoài ra, các phương pháp công nghệ như laser CO2, ánh sáng IPL cũng có thể áp dụng.
Bên cạnh điều trị, bạn nên duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh như ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, uống nước và giảm căng thẳng để cân bằng nội tiết tố và ngăn ngừa mụn.