Nhiễm trùng hô hấp là gì? Dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng ngừa

4

Nhiễm trùng hô hấp xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus tấn công vào các cơ quan thuộc hệ hô hấp, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu người bệnh không được nghỉ ngơi và chăm sóc tốt, triệu chứng sẽ kéo dài, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Nhiễm trùng hô hấp xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus tấn công vào các cơ quan thuộc hệ hô hấp
Nhiễm trùng hô hấp xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus tấn công vào các cơ quan thuộc hệ hô hấp

Tổng quan về nhiễm trùng hô hấp

Theo chia sẻ từ Dược sĩ CK1 Nguyễn Quốc Trung – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, đường hô hấp được chia thành hai phần chính: đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Nhiễm trùng đường hô hấp xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus tấn công vào một hoặc cả hai phần này.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm các bệnh như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm xoang, cảm lạnh, cảm cúm và viêm tai giữa. Trong khi đó, nhiễm trùng đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản, viêm khí quản, viêm tiểu phế quản và viêm phổi.

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp như ho, sốt, sổ mũi, đau họng, đau đầu, nghẹt mũi, hắt hơi và đau nhức ở vùng mặt. Nhiễm trùng đường hô hấp trên thường có triệu chứng nhẹ và không kéo dài, trong khi nhiễm trùng đường hô hấp dưới nghiêm trọng hơn, có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe.

Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng hô hấp

Nhiễm trùng đường hô hấp có thể do nhiều yếu tố tác động. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

    • Virus Adeno: Nhóm virus này gây ra nhiều bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, với hơn 50 chủng khác nhau. Dù không gây ra các triệu chứng quá nghiêm trọng, virus Adeno vẫn có thể lây lan rất nhanh từ người này sang người khác.
    • Khuẩn phế cầu: Vi khuẩn này có khả năng tấn công đường hô hấp, dẫn đến nhiễm trùng nhanh chóng và là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm phổi. Người nhiễm khuẩn phế cầu có nguy cơ bị viêm màng não, do đó, mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe là rất cao.
    • Virus Rhino: Loại virus này thường gây cảm lạnh và một số vấn đề hô hấp khác. Mặc dù triệu chứng ban đầu thường nhẹ, nếu không được chăm sóc và nghỉ ngơi đúng cách, bệnh có thể trở nặng.
    • Hệ miễn dịch yếu: Những người có hệ miễn dịch kém, bao gồm trẻ nhỏ, người có bệnh lý về tim và phổi, người dùng thuốc có tác dụng phụ, hoặc mắc bệnh mãn tính, đều dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Khi thời tiết thay đổi hoặc tiếp xúc với vùng có dịch bệnh, họ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp.

Dấu hiệu khi bị nhiễm trùng hô hấp

Các dấu hiệu khi bị nhiễm trùng hô hấp
Các dấu hiệu khi bị nhiễm trùng hô hấp

Cô Nguyễn Thị Trúc Li – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm trùng đường hô hấp:

    • Chảy dịch mũi: Bệnh nhân thường tiết ra dịch mũi trong, loãng, không có mủ ở giai đoạn đầu. Tình trạng này sẽ giảm dần khi hệ hô hấp hồi phục. Tuy nhiên, nếu nhiễm khuẩn, dịch mũi sẽ đặc, có mủ, gây nghẹt mũi và chảy xuống họng, dẫn đến viêm và rát họng.
    • Ho: Ban đầu, người bệnh cảm thấy ngứa rát ở họng, đặc biệt vào buổi sáng. Sau đó, các cơn ho sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, có thể là ho khan hoặc ho có đờm.
    • Sốt: Nhiễm trùng hô hấp có thể khiến bệnh nhân sốt cao từ 39-40°C, đặc biệt là trẻ em và người có bệnh nền. Sốt cao thường đi kèm các triệu chứng như phát ban, mê man, viêm kết mạc, mất nước…
    • Rối loạn tiêu hóa: Trẻ nhỏ bị nhiễm trùng hô hấp thường xuất hiện triệu chứng chán ăn, nôn mửa và rối loạn tiêu hóa.
    • Khó thở và đau họng: Trong trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp dưới, bệnh nhân có thể khó thở khi bệnh trở nặng. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, vi khuẩn và virus làm tổn thương niêm mạc họng, khiến người bệnh cảm thấy rát, khó nuốt, giọng khàn và khó nói chuyện.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp

Nhiễm trùng hô hấp là bệnh phổ biến nhưng có thể gây nhiều phiền toái, đặc biệt ở trẻ em, người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch. Để ngăn ngừa, cần lưu ý:

    • Giữ ấm cơ thể: Thời tiết thay đổi thất thường nên cần mặc đủ ấm và đeo khẩu trang.
    • Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin để tăng sức đề kháng.
    • Vệ sinh mũi họng: Rửa mũi bằng nước muối sinh lý, đánh răng thường xuyên và uống đủ nước giúp hạn chế vi khuẩn xâm nhập.
    • Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh: Đeo khẩu trang và rửa tay sau khi tiếp xúc gần người bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Mặc dù nhiễm trùng hô hấp không quá nguy hiểm, nhưng không nên chủ quan. Khi triệu chứng tăng nặng, cơ thể mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức và hạn chế ra ngoài. Đặc biệt, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi điều trị bệnh, và không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định.

Nguồn: https://caodangyduocdaklak.com/