Sắt là khoáng chất thiết yếu tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu, do đó, khi cơ thể thiếu sắt sẽ dễ dẫn đến thiếu máu và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan. Các chuyên gia y tế cho biết, một số biểu hiện thiếu sắt có thể nhận biết bằng mắt thường. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu này giúp bạn chủ động bổ sung kịp thời để bảo vệ sức khỏe.

Vì sao cần quan tâm đến hiện tượng thiếu sắt?
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, trước khi khám phá các dấu hiệu cảnh báo thiếu sắt, hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao khoáng chất này lại đóng vai trò thiết yếu đối với cơ thể con người.
Sắt là thành phần chính tham gia cấu tạo nên hemoglobin – một loại protein quan trọng trong hồng cầu, còn gọi là huyết sắc tố. Hemoglobin có nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và cơ quan trên toàn cơ thể. Khi thiếu sắt, quá trình cung cấp oxy bị gián đoạn, khiến các cơ quan không thể hoạt động hiệu quả do thiếu dưỡng khí.
Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu sắt bao gồm:
- Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người cao tuổi.
- Người bị mất máu cấp tính hoặc xuất huyết nội.
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý viêm đường ruột.
- Những người ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc có chế độ dinh dưỡng thiếu cân đối.
Những dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu sắt
Các biểu hiện của tình trạng thiếu sắt có thể khác nhau tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe của từng người. Tuy nhiên, nhìn chung, cơ thể thường phát ra một số dấu hiệu dễ nhận biết khi thiếu sắt như sau:
Biểu hiện bất thường ở tóc và móng
Thiếu sắt có thể khiến móng tay và móng chân trở nên yếu, dễ gãy, tách lớp hoặc bị lõm. Tóc cũng là một chỉ dấu quan trọng, với tình trạng khô xơ, dễ gãy rụng và thiếu sức sống là dấu hiệu phổ biến.
Thay đổi sắc tố da

Theo Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM, một trong những biểu hiện dễ nhận thấy nhất là làn da nhợt nhạt, xanh xao. Điều này xảy ra do cơ thể không sản xuất đủ hemoglobin – sắc tố mang màu đỏ của máu – khiến da mất đi vẻ hồng hào tự nhiên. Các vị trí dễ nhận thấy sự thay đổi là khuôn mặt, môi, nướu và vùng dưới móng tay.
Khó thở và tim đập nhanh
Khi thiếu sắt, lượng oxy cung cấp cho các cơ quan bị hạn chế, dẫn đến cảm giác hụt hơi ngay cả khi vận động nhẹ như đi bộ hoặc leo cầu thang. Tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp sự thiếu hụt oxy, dẫn đến tim đập nhanh, nếu kéo dài có thể gây suy tim hoặc các rối loạn tim mạch khác.
Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi
Do thiếu oxy lên não, người thiếu sắt dễ bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt và cảm giác kiệt sức thường xuyên. Đây là những triệu chứng điển hình cảnh báo cơ thể đang thiếu máu do thiếu sắt.
Dấu hiệu ở miệng và chân
Nếu nhận thấy lưỡi nhạt màu, viêm hoặc sưng đau, môi khô và nứt nẻ, đặc biệt là ở khóe miệng, bạn nên cân nhắc khả năng thiếu sắt. Ngoài ra, một tình trạng thường gặp là hội chứng chân bồn chồn – cảm giác ngứa ran, khó chịu ở chân khiến người bệnh khó ngủ, thường xuất hiện vào ban đêm. Khoảng 25% người thiếu sắt có thể trải qua triệu chứng này, và mức độ khó chịu tăng dần theo mức độ thiếu hụt.
Một số biểu hiện khác
- Tay chân lạnh: Do lưu lượng máu kém khiến chi không nhận đủ nhiệt và oxy.
- Suy giảm miễn dịch: Thiếu sắt ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
- Thèm ăn đồ lạ: Một số người có thể xuất hiện hành vi thèm ăn đá, đất hoặc các vật không phải thực phẩm – một hiện tượng gọi là “pica”.
Phương pháp phòng ngừa cơ thể thiếu sắt
Thiếu sắt kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, việc phòng ngừa và phát hiện sớm là rất quan trọng.
Để xác định chính xác tình trạng thiếu sắt, bạn nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Nếu thiếu nhẹ, có thể cải thiện bằng cách bổ sung viên sắt và tăng cường thực phẩm giàu sắt như: thịt đỏ, gan, hải sản có vỏ (ốc, sò, cua), rau xanh đậm (rau bina, bí ngô,…).
Phụ nữ mang thai nên uống thêm sắt và axit folic để đảm bảo nhu cầu cho mẹ và thai nhi. Trường hợp thiếu sắt nghiêm trọng dẫn đến thiếu máu, bác sĩ có thể chỉ định truyền sắt hoặc truyền máu.
Thời điểm lý tưởng để uống sắt là trước bữa sáng và nên kết hợp với nước cam để tăng hấp thu. Tránh dùng cùng canxi, trà hay cà phê vì có thể làm giảm hiệu quả.
Tóm lại, sắt rất cần thiết cho cơ thể. Khi có dấu hiệu thiếu sắt, hãy chủ động kiểm tra và bổ sung đúng cách để bảo vệ sức khỏe.