Đau mắt đỏ là bệnh lý phổ biến, không thể tự khỏi nếu không được điều trị đúng cách. Bệnh có nhiều nguyên nhân và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm loét giác mạc, thậm chí mù lòa nếu không can thiệp kịp thời. Vậy đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi và cách điều trị hiệu quả ra sao?

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ và biểu hiện
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là:
- Nhiễm virus: Là nguyên nhân thường gặp nhất. Triệu chứng bao gồm ngứa, chảy nước mắt, cảm giác cộm như có dị vật, sưng mí, giảm thị lực. Bệnh dễ lây qua dịch tiết mắt hoặc hô hấp (khi ho, hắt hơi).
- Nhiễm khuẩn: Chủ yếu do vi khuẩn Haemophilus influenzae và Staphylococcus. Người bệnh thường bị tiết dịch vàng vào sáng sớm, ngứa và chảy nước mắt nhiều. Trường hợp nặng có thể gây loét giác mạc và mù lòa.
- Dị ứng: Gặp khi tiếp xúc với phấn hoa, lông thú, bụi bẩn hoặc do dùng thuốc. Triệu chứng là ngứa mắt dữ dội, chảy nước mắt kèm viêm mũi. Khác với virus và vi khuẩn, đau mắt đỏ do dị ứng không lây và thường ảnh hưởng cả hai mắt.
Bệnh đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
“Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi” là thắc mắc chung của nhiều người khi mắc phải bệnh lý này. Thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như phương pháp điều trị được áp dụng. Thông thường, phần lớn các trường hợp sẽ khỏi trong vòng vài ngày đến khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, nếu đau mắt đỏ do virus, thời gian điều trị có thể kéo dài đến 3 tuần mới hồi phục hoàn toàn.
Đối với trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng, thời gian khỏi bệnh còn phụ thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc với dị nguyên. Khi loại bỏ được tác nhân gây kích ứng, triệu chứng thường thuyên giảm rõ rệt trong vòng 24 giờ. Tuy vậy, việc xác định chính xác yếu tố gây dị ứng không dễ dàng, bởi có thể do thời tiết, phấn hoa theo mùa, lông thú, bụi mịn hoặc các chất gây kích ứng khác trong môi trường sống hằng ngày.
Điều trị đau mắt đỏ như thế nào?

Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cũng cho biết thêm, phác đồ điều trị đau mắt đỏ sẽ được bác sĩ xây dựng dựa trên nguyên nhân gây bệnh cụ thể:
- Đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn: Bệnh nhân thường được kê thuốc kháng sinh dưới dạng nhỏ mắt, thuốc mỡ hoặc thuốc uống. Cần tuyệt đối tuân thủ liều lượng, thời gian dùng thuốc và hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định chuyên môn.
- Đau mắt đỏ do dị ứng: Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi hoặc thuốc chống viêm corticosteroid. Bệnh nhân cũng có thể chườm lạnh tạm thời để giảm cảm giác khó chịu ở mắt.
- Đau mắt đỏ do kích ứng: Nếu nguyên nhân là dị vật bay vào mắt, nên rửa mắt nhẹ nhàng bằng nước sạch hoặc nước ấm. Tránh để mắt tiếp xúc với bụi bẩn, hóa chất. Trường hợp tiếp xúc với chất độc như kiềm, axit hoặc hóa chất công nghiệp, sau khi rửa mắt cần đến cơ sở y tế ngay để xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm cho mắt.
- Đau mắt đỏ do virus: Có thể cần sử dụng thuốc kháng virus theo chỉ định để kiểm soát sự phát triển của virus và giảm triệu chứng.
Bên cạnh điều trị nguyên nhân, bệnh nhân cần lưu ý:
- Chỉ sử dụng thuốc đúng loại, đúng liều theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa.
- Không để đầu lọ thuốc nhỏ mắt chạm vào mắt. Với thuốc nhỏ, chỉ cần nhỏ 1–2 giọt mỗi bên; thuốc mỡ nên bôi vào mi dưới gần mắt.
- Nếu tình trạng mắt không cải thiện, kèm theo triệu chứng như sưng nặng, tiết dịch nhiều hơn hoặc đau tăng, cần ngưng thuốc và tái khám ngay.
- Tuyệt đối không áp dụng các mẹo dân gian truyền miệng chưa được kiểm chứng như đắp hành, nhỏ sữa mẹ hay xông lá trầu vì có thể khiến bệnh nặng hơn.
Phương pháp phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ
Để phòng tránh đau mắt đỏ, mỗi người nên chú ý thực hiện các biện pháp sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hoặc sau khi tiếp xúc với bề mặt có nguy cơ chứa mầm bệnh.
- Tránh dụi mắt bằng tay; nếu cần, hãy dùng khăn giấy sạch để lau.
- Không dùng chung khăn mặt, khăn tắm hay đồ dùng cá nhân với người khác. Nếu giặt đồ cho người bệnh, nên dùng nước nóng và chất tẩy rửa.
- Giặt thay vỏ chăn, ga, gối thường xuyên để loại bỏ tác nhân gây dị ứng hoặc nhiễm trùng.
- Tránh dùng chung mỹ phẩm, dụng cụ trang điểm để hạn chế lây nhiễm vi khuẩn, virus.
- Không đi bơi khi đang mắc bệnh để tránh lây lan.
- Khi ra ngoài, nên đeo kính râm hoặc kính chắn gió để bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn và tác động môi trường.
Thời gian khỏi đau mắt đỏ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và cách chăm sóc. Dù có thể tự khỏi, bệnh vẫn cần được theo dõi và điều trị đúng cách để tránh biến chứng như viêm giác mạc hoặc mù lòa vĩnh viễn.