Nghẹt mũi khó thở khi ngủ là tình trạng thường gặp, đặc biệt ở những người mắc các bệnh lý tai mũi họng. Vậy làm thế nào để giảm nghẹt mũi và cải thiện giấc ngủ? Hãy cùng tham khảo bài viết sau để tìm ra giải pháp.
Nguyên nhân gây nghẹt mũi khó thở khi ngủ
Theo Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, nghẹt mũi khó thở khi ngủ là tình trạng phổ biến, thường xảy ra do dịch nhầy tiết nhiều gây tắc nghẽn hoặc do viêm mạch máu niêm mạc mũi. Khi nằm, người bệnh có thể bị nghẹt một hoặc cả hai bên mũi, dẫn đến khó ngủ hoặc ngủ không sâu.
Nguyên nhân gây nghẹt mũi khó thở khi ngủ:
Viêm nhiễm ở mũi:
Các bệnh lý như cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA hoặc viêm mũi dị ứng có thể gây nghẹt mũi. Dị nguyên như bụi bẩn, phấn hoa, lông thú, hoặc mỹ phẩm dễ kích ứng và làm bạn hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi.
Dị vật trong mũi:
Dị vật mắc kẹt trong mũi, thường gặp ở trẻ nhỏ khi cho đồ chơi vào mũi, không chỉ gây nghẹt mà còn dẫn đến viêm nhiễm nguy hiểm.
Tai nạn, chấn thương mũi:
Chấn thương vùng mũi do tai nạn có thể gây phù nề hoặc lệch vách ngăn mũi, dẫn đến nghẹt mũi khó thở, đặc biệt khi nằm.
Môi trường sống không đảm bảo:
Phòng ngủ không vệ sinh sạch sẽ, nhiều bụi bẩn hoặc không khí khô do điều hòa hoạt động kém cân bằng độ ẩm cũng là nguyên nhân gây nghẹt mũi, khó thở vào ban đêm.
Phải làm sao khi bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ?
Nghẹt mũi khó thở khi ngủ là tình trạng phổ biến, gây khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ. Nếu không xử lý, người bệnh có thể bị mất ngủ kéo dài, dẫn đến cơ thể mệt mỏi, suy giảm sức khỏe. Dưới đây là các biện pháp khắc phục hiệu quả:
Uống nhiều nước
Uống đủ nước, đặc biệt là nước ấm, giúp làm loãng dịch nhầy trong mũi, hỗ trợ đào thải ra ngoài dễ dàng hơn. Ngoài nước, bạn có thể bổ sung các món ăn loãng và ấm như cháo, canh, súp hoặc nước luộc rau. Tuy nhiên, nên hạn chế uống nước vào buổi tối để tránh đi tiểu đêm, làm gián đoạn giấc ngủ.
Hạn chế cà phê
Cà phê có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể mất nước, làm dịch nhầy trong mũi đặc hơn và nghẹt mũi nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, không nên uống cà phê sau 2 giờ chiều để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vào ban đêm.
Sử dụng nước muối sinh lý
Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, nước muối sinh lý là phương pháp đơn giản và hiệu quả để giảm nghẹt mũi. Bạn có thể nhỏ mũi, rửa mũi hoặc xông hơi với nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày. Nước muối giúp loại bỏ dịch nhầy, giảm sưng viêm và cải thiện tình trạng kích ứng mũi.
Tắm nước ấm
Tắm hoặc xông hơi với nước ấm giúp hơi nước thẩm thấu vào mũi, làm loãng dịch nhầy và giúp thông mũi nhanh chóng. Ngoài ra, việc tắm nước ấm còn mang lại cảm giác thư giãn, giảm mệt mỏi và căng thẳng sau một ngày dài.
Kê gối cao khi ngủ
Khi ngủ, hãy kê gối cao để đầu và cổ nghiêng khoảng 15 độ so với mặt giường. Tư thế này giúp dịch nhầy dễ dàng chảy xuống họng, giảm tình trạng tắc nghẽn mũi và khó thở.
Giữ phòng ngủ sạch sẽ
Vệ sinh phòng ngủ thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn – tác nhân gây dị ứng và nghẹt mũi. Chăn, ga, gối, nệm nên được giặt sạch 2-3 lần/tuần. Khi sử dụng điều hòa, cần kết hợp các biện pháp cân bằng độ ẩm để không khí trong phòng không bị khô.
Sử dụng thuốc khi cần thiết
Nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài, bạn có thể sử dụng thuốc xịt mũi hoặc thuốc kháng histamin để làm thông mũi, giảm triệu chứng. Trong trường hợp viêm nhiễm do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê kháng sinh. Lưu ý, chỉ sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Một số trường hợp nghẹt mũi khó thở cần được thăm khám và điều trị chuyên khoa:
- Nghẹt mũi kéo dài trên một tuần, kèm theo ho.
- Sốt cao, đau đầu, đau nhức vùng xoang.
- Dịch mũi đặc, màu xanh hoặc vàng.
- Mất ngủ liên tục do nghẹt mũi, dẫn đến suy nhược cơ thể.
- Nghẹt mũi xuất hiện sau chấn thương hoặc liên quan đến bệnh lý mãn tính như hen suyễn, COPD.
Áp dụng các biện pháp trên không chỉ giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi mà còn mang lại giấc ngủ ngon và sức khỏe tốt hơn. Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.