Biến chứng của bệnh tiểu đường có thể tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Vì vậy, hiểu rõ mức độ nguy hiểm của các biến chứng và chủ động thăm khám, phòng ngừa là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe một cách hiệu quả.
Thông tin về bệnh tiểu đường
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, Glucose được tạo ra từ Carbohydrate trong thực phẩm và hấp thụ qua ruột vào máu. Insulin, một hormone do tuyến tụy sản xuất, có vai trò vận chuyển Glucose từ máu vào tế bào, cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin hiệu quả, lượng đường trong máu tăng cao, dẫn đến bệnh tiểu đường – một rối loạn chuyển hóa liên quan đến Carbohydrate.
Ba loại chính của bệnh tiểu đường gồm:
- Tiểu đường type 1: Hệ miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, khiến cơ thể không thể tạo ra insulin.
- Tiểu đường type 2: Cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin hiệu quả, thường liên quan đến thói quen sống không lành mạnh như thừa cân, béo phì, ít vận động…
- Tiểu đường thai kỳ: Xuất hiện trong thai kỳ và thường biến mất sau khi sinh, nhưng làm tăng nguy cơ phát triển tiểu đường type 2 về sau.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường
Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể:
Biến chứng tim mạch
Lượng đường huyết cao kéo dài làm tổn thương mạch máu, giảm độ đàn hồi, khiến tim phải hoạt động mạnh hơn, làm tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Biến chứng thận
Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, bệnh thận do tiểu đường xảy ra khi đường huyết cao làm tổn thương mao mạch thận, suy giảm chức năng lọc máu, dẫn đến tích tụ chất thải. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành suy thận. Các dấu hiệu bao gồm mệt mỏi, phù tay chân, buồn nôn, hơi thở có mùi amoniac.
Biến chứng thần kinh
Tiểu đường gây tổn thương dây thần kinh, phổ biến nhất là thần kinh ngoại biên, gây tê liệt, đau nhức, ngứa ran hoặc mất cảm giác ở tay chân. Nếu thần kinh thực vật bị ảnh hưởng, các cơ quan khác cũng bị tác động:
- Tiêu hóa: Đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Tim mạch: Nhịp tim nhanh, huyết áp thấp khi đứng lên.
- Hệ sinh dục: Rối loạn cương dương ở nam giới, giảm ham muốn ở nữ.
- Điều tiết mồ hôi: Ra mồ hôi bất thường.
- Bàng quang: Tiểu không tự chủ, khó tiểu, nhiễm trùng tiểu.
Tổn thương dây thần kinh ở chân có thể gây loét chân, nhiễm trùng nghiêm trọng, thậm chí phải cắt cụt chi nếu không được điều trị.
Biến chứng mắt
Tiểu đường làm tổn thương võng mạc, có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, nguy cơ đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp cũng cao hơn.
Biến chứng da
Người bệnh dễ bị nhiễm trùng da, vết thương khó lành do giảm lưu thông máu. Ngoài ra, các đốm nâu hoặc đỏ có thể xuất hiện trên cẳng chân do tổn thương mạch máu nhỏ.
Các biến chứng khác
- Ketoacidosis: Biến chứng nguy hiểm có thể gây hôn mê, tử vong do tích tụ ketone trong máu.
- Hạ đường huyết: Xảy ra khi dùng thuốc quá liều hoặc ăn uống không đủ.
- Sa sút trí tuệ: Tổn thương thần kinh làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer, trầm cảm.
Các biến chứng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ tử vong. Vì vậy, kiểm soát bệnh tiểu đường bằng chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì lối sống khoa học và tuân thủ điều trị là rất quan trọng để phòng ngừa biến chứng.