Cha mẹ cần lưu ý những biểu hiện cảnh báo suy thận ở trẻ

3

Suy thận là một bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của trẻ nhỏ. Cha mẹ cần chú ý nhận biết sớm các dấu hiệu suy thận ở trẻ để can thiệp kịp thời, góp phần bảo vệ sức khỏe và phát triển lâu dài cho con.

Cha mẹ cần nhận biết sớm dấu hiệu suy thận ở trẻ
Cha mẹ cần nhận biết sớm dấu hiệu suy thận ở trẻ

Suy thận ở trẻ là do nguyên nhân nào?

Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, suy thận là tình trạng chức năng lọc và đào thải chất độc của thận bị suy giảm, khiến cơ thể không duy trì được sự cân bằng nước và điện giải. Ở trẻ em, suy thận có thể bắt nguồn từ yếu tố bẩm sinh hoặc là hậu quả của một số bệnh lý:

    • Nguyên nhân bẩm sinh: gồm các dị tật đường tiết niệu, teo thận hoặc thiểu sản thận bẩm sinh.
    • Các bệnh lý tại cầu thận.
    • Bệnh thận di truyền: như bệnh thận IgA, hội chứng Alport, bệnh thận đa nang,…
    • Nguyên nhân chưa xác định rõ.

Những dấu hiệu nhận biết suy thận ở trẻ

Dấu hiệu suy thận ở trẻ nhỏ thường dễ bị bỏ qua do dễ nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý những biểu hiện cảnh báo dưới đây để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời:

Dấu hiệu liên quan đến hệ tiết niệu

    • Khi thận suy giảm chức năng, hệ tiết niệu là cơ quan chịu ảnh hưởng đầu tiên. Một số biểu hiện cần chú ý:
    • Tiểu ít hoặc không tiểu: Do thận hoạt động kém, lượng nước tiểu bài tiết giảm rõ rệt. Trẻ có thể đi tiểu ít lần hoặc mỗi lần tiểu rất ít. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra tã để theo dõi lượng nước tiểu.
    • Nước tiểu có màu bất thường: Trẻ có thể có nước tiểu đục, sẫm màu (vàng đậm hoặc nâu), thậm chí lẫn máu.
    • Đau khi đi tiểu: Trẻ có biểu hiện khó chịu, quấy khóc khi đi vệ sinh, có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu đi kèm suy thận.

Dấu hiệu liên quan đến hệ tiêu hóa

Khi độc tố không được loại bỏ khỏi cơ thể, hệ tiêu hóa của trẻ có thể bị ảnh hưởng:

    • Buồn nôn, nôn: Trẻ có thể nôn ói dù ăn ít hoặc không ăn, do tích tụ độc tố trong cơ thể.
    • Chán ăn: Trẻ không hứng thú với thức ăn, ăn ít hoặc bỏ ăn kéo dài, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng.
    • Đau bụng: Trẻ có thể bị đau âm ỉ vùng bụng dưới do độc tố tồn đọng lâu ngày.

Dấu hiệu thay đổi ngoại hình

Suy thận có thể làm thay đổi rõ rệt về mặt hình thể ở trẻ:

    • Phù nề: Trẻ có thể bị phù mặt, nhất là quanh mắt, hoặc sưng ở tay, chân, bụng do ứ dịch.
    • Tăng hoặc sụt cân bất thường: Trẻ tăng cân nhanh do tích nước hoặc sụt cân do chán ăn. Những thay đổi cân nặng không rõ nguyên nhân cần được chú ý.

Dấu hiệu toàn thân

Các dấu hiệu suy thận ở trẻ
Các dấu hiệu suy thận ở trẻ

Theo Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM, suy thận ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, biểu hiện qua các dấu hiệu:

    • Mệt mỏi, yếu sức: Trẻ trở nên lười vận động, dễ mệt, thiếu năng lượng dù không có hoạt động quá sức.
    • Da xanh xao: Suy giảm chức năng tạo hồng cầu của thận dẫn đến thiếu máu, khiến trẻ có làn da nhợt nhạt, môi tái và có thể chóng mặt.
    • Ngứa da: Một số trẻ có thể bị ngứa do độc tố tích tụ dưới da.

Nên làm gì khi nhận thấy dấu hiệu suy thận ở trẻ?

Các biểu hiện của suy thận ở trẻ thường không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Do đó, cha mẹ cần lưu ý và thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho trẻ:

Đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời

Ngay khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ suy thận nào ở trẻ, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Giảm muối trong khẩu phần ăn: Muối có thể làm tình trạng phù nề nghiêm trọng hơn và gây thêm gánh nặng cho thận. Vì vậy, trẻ suy thận cần được hạn chế lượng muối trong bữa ăn hàng ngày.

Bổ sung rau xanh và trái cây tươi: Đây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tự nhiên hỗ trợ quá trình hồi phục chức năng thận.

Hạn chế chất béo và protein: Giảm tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo và protein sẽ giúp thận không phải làm việc quá tải, góp phần ngăn chặn bệnh tiến triển nặng.

Duy trì lượng nước hợp lý

Việc uống đủ nước giúp hỗ trợ chức năng lọc thải của thận. Tuy nhiên, lượng nước cần được điều chỉnh theo chỉ định của bác sĩ để tránh gây áp lực thêm cho thận.

Tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ

Trong các trường hợp suy thận tiến triển nặng, trẻ có thể cần đến các phương pháp điều trị chuyên sâu như lọc máu hoặc ghép thận. Việc tuân thủ đúng chỉ định và hướng dẫn điều trị của bác sĩ là điều kiện tiên quyết để kiểm soát hiệu quả bệnh lý này.

Phát hiện sớm dấu hiệu suy thận ở trẻ sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra kịp thời, hạn chế tổn thương không thể phục hồi và góp phần bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe lâu dài của trẻ.

Nguồn: https://caodangyduocdaklak.com/