Nấm Candida, nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh nấm âm đạo ở phụ nữ, cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề khác như việc phát triển bệnh tưa miệng, nhiễm trùng da và viêm thực quản. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Tổng quan về nấm Candida
Theo Gảng viên Cao đẳng Điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, nấm Candida, gọi là Candida Albicans, là loại nấm phổ biến tồn tại khắp môi trường xung quanh chúng ta. Thường sống trong da, khoang miệng, hệ tiêu hóa và đặc biệt là cơ quan sinh dục khi xâm nhập vào cơ thể. Nó thường không gây vấn đề cho sức khỏe khi sống cùng vi sinh vật khác, nhưng khi hệ vi sinh mất cân bằng, nó có thể gây bệnh tùy theo vị trí xâm nhập. Nhiễm nấm Candida có thể gây bệnh tại miệng, da, thực quản và vùng sinh dục. Thường có thể điều trị nhưng khi xâm nhập máu, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, đòi hỏi cấp cứu để tránh tử vong.
Nguyên nhân gây nhiễm nấm Candida
Có ba nguyên nhân chủ yếu gây ra việc nấm Candida xâm nhập và gây bệnh trong cơ thể:
- Lạm dụng kháng sinh và corticoid trong thời gian dài: Việc sử dụng kháng sinh hoặc corticoid kéo dài gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trong cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm Candida.
- Vệ sinh không đúng cách ở vùng kín: Khi cơ quan sinh dục không được vệ sinh đầy đủ, sạch sẽ, hoặc bị ẩm ướt và thiếu thông thoáng, điều này tạo môi trường lý tưởng cho nấm Candida phát triển.
- Hệ miễn dịch yếu: Sức đề kháng giảm, đặc biệt là ở những nhóm như phụ nữ mang thai, người mắc HIV/AIDS, bệnh nhân tiểu đường, và người đã được ghép tạng. Sự suy yếu của hệ miễn dịch tạo điều kiện cho nấm Candida tấn công và gây bệnh dễ dàng hơn.
Các triệu chứng khi nhiễm nấm Candida
Bệnh do nấm Candida có thể gây ra những triệu chứng như sau:
- Nấm miệng (hay tưa miệng): Xuất hiện mảng trắng xung quanh môi, lưỡi hoặc vòm miệng giống cặn sữa. Có thể gây viêm, chảy máu và lở loét nướu răng.
- Viêm thực quản do nấm Candida: Gây khó nuốt, đau khi nuốt và đau vùng ngực sau xương ức.
- Nhiễm nấm Candida ở da: Trên da có các đốm màu trắng hoặc đỏ, gây sưng và ngứa.
- Nhiễm nấm Candida âm đạo: Tấy đỏ, ngứa, nóng rát ở âm hộ, tiết dịch vón cục màu trắng đục. Cả nam và nữ đều có thể bị ngứa, đau và khó chịu ở vùng kín.
- Nhiễm nấm Candida toàn thân: Gây sốt cao, ớn lạnh, thậm chí sốc và suy đa tạng nhanh chóng.
Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng đặc biệt lưu ý, nếu có các dấu hiệu sau, cần đi khám ngay:
- Triệu chứng nhiễm nấm Candida kéo dài một tuần mà không giảm hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.
- Vùng kín chảy dịch màu trắng, vón cục, ngứa và có mùi hôi.
- Tổn thương màu trắng trên miệng, lưỡi và vòm miệng gây lở loét, sưng đau, ăn uống và giao tiếp khó khăn. Nặng hơn có thể bị sưng đỏ và nứt góc miệng, có hiện tượng chảy máu khi chạm vào hoặc cạo đi.
Các phương pháp điều trị nhiễm nấm Candida
Thuốc kháng nấm thường được sử dụng khi nhiễm nấm Candida. Chọn loại thuốc phù hợp tùy thuộc vào mức độ và khu vực nhiễm bệnh:
- Nấm miệng: Sử dụng thuốc bôi như clotrimazole và nystatin. Trường hợp nặng hơn, có thể dùng itraconazole và fluconazole dạng uống.
- Nhiễm nấm vùng thực quản: Sử dụng itraconazole và fluconazole dạng uống.
- Nhiễm nấm Candida trên da: Giữ da khô ráo, sạch sẽ, kết hợp với miconazole, nystatin, ketoconazole, clotrimazole.
- Nhiễm nấm Candida vùng kín: Sử dụng thuốc đặt âm đạo như Miconazole hoặc Clotrimazole, có thể kết hợp với Itraconazole và Fluconazole. Phụ nữ mang thai cần thận trọng khi sử dụng và tránh quan hệ tình dục và uống rượu.
- Phụ nữ mang thai nhiễm nấm âm đạo: Cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Nhiễm nấm Candida toàn thân: Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch như Voriconazole hoặc Fluconazole. Đối với bệnh nhân suy giảm bạch cầu, có thể sử dụng Micafungin hoặc Caspofungin.
Đây là những thông tin cơ bản về nấm Candida. Mặc dù nấm này tồn tại trong cơ thể nhiều người, nhưng khi cơ thể không còn cân bằng, nó có thể gây bệnh ở vị trí mà nó phát triển.