Những thông tin cha mẹ cần biết về phát ban nhiệt ở trẻ!

8

Phát ban nhiệt ở trẻ thường xuất hiện đột ngột và lan rộng trên cơ thể vào những ngày nắng nóng. Làn da mỏng nhạy cảm của trẻ cần được chăm sóc đúng cách để tránh tình trạng nghiêm trọng. Hiểu biết về phát ban nhiệt giúp cha mẹ xử lý hiệu quả khi trẻ gặp vấn đề này.

Phát ban nhiệt ở trẻ thường xuất hiện đột ngột và lan rộng vào những ngày nắng nóng
Phát ban nhiệt ở trẻ thường xuất hiện đột ngột và lan rộng vào những ngày nắng nóng

Có mấy loại phát ban nhiệt ở trẻ?

Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cho biết, phát ban nhiệt ở trẻ không phải là hiện tượng mới lạ, nhưng với những bậc phụ huynh mới nuôi con chưa có nhiều kinh nghiệm, đôi khi có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Phát ban nhiệt là tình trạng tổn thương da thường xuất hiện các nốt ban đỏ hoặc mảng màu hồng trên cơ thể. Những vùng thường bị ảnh hưởng là vùng tiết mồ hôi hoặc thường xuyên cọ xát với quần áo như cổ, lưng, ngực, trán, vai, bẹn, gáy, khuỷu tay, chân, và nhiều nơi khác.

Nguyên nhân của phát ban nhiệt thường liên quan đến tắc nghẽn tuyến mồ hôi do các tế bào chết, bụi bẩn hoặc vi khuẩn. Điều này gây viêm và phát ban. Môi trường nắng nóng, mồ hôi nhiều, mặc quần áo bó sát, nằm nhiều, hoặc sốt cũng có thể gây ra phát ban nhiệt.

Phát ban nhiệt có thể được phân loại thành ba dạng dựa vào mức độ tắc nghẽn tuyến mồ hôi:

    • Ban bạch (ban hạt kê): Dạng nhẹ nhất, gồm những nốt mụn nước li ti có màu trắng hoặc trong suốt. Không gây đau hay ngứa.
    • Ban kê đỏ (rôm đỏ): Dạng thường gặp với những nốt ban lấm tấm đỏ, gây cảm giác bức rức, ngứa ngáy.
    • Ban kê sâu (ban kê mủ, rôm sâu): Dạng ít gặp nhưng tổn thương sâu và có khả năng tái phát nhiều lần. Các nốt mụn cứng, ít gây ngứa.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị phát ban nhiệt ở trẻ

Mặc dù phát ban nhiệt không đe dọa đến tính mạng của trẻ, nhưng trong một số trường hợp, có thể xảy ra bội nhiễm và biến chứng tổn thương tuyến mồ hôi. Trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, khó chịu vì ngứa ngáy và mất sức do tác động của nắng nóng. Vì vậy, việc chẩn đoán và can thiệp xử lý bệnh kịp thời sẽ giúp bé giảm những triệu chứng không thoải mái do phát ban nhiệt.

Chẩn đoán:

Để chẩn đoán chính xác tình trạng phát ban nhiệt ở trẻ, bác sĩ có thể dựa vào các yếu tố như các biểu hiện lâm sàng, đặc điểm của ban đỏ, độ tuổi và vị trí xuất hiện tổn thương trên da của bé. Điều kiện thời tiết cũng được xem xét, bao gồm nhiệt độ và độ ẩm của không khí. Ngoài ra, nếu cần phân biệt với các bệnh lý da liễu khác, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác và hướng xử lý phù hợp.

Điều trị:

Điều trị phát ban nhiệt ở trẻ
Điều trị phát ban nhiệt ở trẻ

Theo chia sẻ từ Thầy Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, tuỳ thuộc vào mức độ phát ban, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị để giảm triệu chứng và ngăn ngừa nhiễm khuẩn trên da của trẻ. Trong trường hợp phát ban kéo dài và có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bôi chứa corticoid nhẹ kết hợp với kháng sinh. Đối với các vùng da xuất hiện mụn mủ do nhiễm trùng nang lông, có thể cần sử dụng kháng sinh địa phương hoặc uống.

Chăm sóc trẻ bị phát ban nhiệt như thế nào?

Chăm sóc trẻ khi bị phát ban nhiệt:

    • Nếu trẻ có biểu hiện sốt, cha mẹ cần cởi quần áo cho bé và dùng khăn ấm lau người, đặc biệt là các vùng như cổ, bẹn, nách. Không quá 10 phút và nếu cần thiết, hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc hạ sốt.
    • Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung điện giải, có thể cho bé uống nước ép hoa quả. Nếu sử dụng Oresol, tuân thủ đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
    • Không tự ý điều trị hoặc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
    • Cắt gọn móng tay để tránh bé gãi, cào dẫn đến tổn thương, nhiễm trùng da.
    • Tránh thực phẩm có thể gây kích ứng nếu bé đang bú sữa mẹ như hải sản, nấm, đậu nành.
    • Tắm và vệ sinh bé với nước ấm, tránh chà xát quá mạnh và sử dụng sữa tắm phù hợp với da trẻ.
    • Giữ môi trường xung quanh bé khô thoáng, độ ẩm thích hợp và loại bỏ yếu tố nhạy cảm với da như khói bụi, lông thú cưng, phấn hoa.
    • Hạn chế bé đến những nơi đông người, ngột ngạt.
    • Mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi, và hạn chế sử dụng bỉm, tã lót khi bé đang bị phát ban nhiệt nếu không cần thiết.

Phát ban nhiệt ở trẻ không gây nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bé. Vì vậy, khi thấy bé xuất hiện các nốt ban đỏ bất thường, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra và xử lý kịp thời.

Nguồn: https://caodangyduocdaklak.com