Tại sao mắt nổi gân đỏ và có nguy hiểm không?

12

Nhiều người lo lắng khi thấy mắt nổi gân đỏ. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Có nguy hiểm không và làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết, bạn đọc có thể tham khảo các thông tin hữu ích dưới đây.

Tình trạng mắt nổi gân đỏ có thể khiến người bệnh lo lắng
Tình trạng mắt nổi gân đỏ có thể khiến người bệnh lo lắng

Nguyên nhân nào mắt nổi gân đỏ?

Theo Cô Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, nguyên nhân chính gây mắt nổi gân đỏ là do mắc bệnh lý về mắt, như viêm kết mạc hoặc xuất huyết dưới kết mạc.

Viêm kết mạc là một bệnh lý rất phổ biến trong mắt, thường do nhiễm vi khuẩn (như tụ cầu, phế cầu, liên cầu), virus (như Adeno hoặc Herpes), hoặc do dị ứng. Khi bị viêm kết mạc, mắt sẽ có nhiều gân đỏ, kèm theo các triệu chứng như sưng đau, ngứa rát, cộm mắt, chảy nước mắt và dịch, và suy giảm thị lực.

Xuất huyết dưới kết mạc xảy ra khi các mạch máu nhỏ dưới kết mạc bị chảy máu không bình thường. Nguyên nhân có thể là chấn thương mặt hoặc mắt, lặn dưới nước lâu, rối loạn đông máu, thiếu vitamin C và K, hoặc do phẫu thuật tật khúc xạ. Triệu chứng của xuất huyết dưới kết mạc khác với viêm kết mạc bao gồm gân máu to và nhiều, nhưng không gây đau và không làm mắt chảy nước, không gây khó chịu hay ảnh hưởng tới thị lực.

Tình trạng mắt nổi gân đỏ có nguy hiểm không?

Mắt nổi gân đỏ có thể sợ hãi nhưng đa số không nguy hiểm. Chăm sóc và vệ sinh mắt đúng cách thường giúp khắc phục nhanh chóng. Tuy nhiên, không nên bỏ qua vấn đề này. Nếu do viêm kết mạc gây bội nhiễm, không điều trị chuyên khoa có thể dẫn đến nhạy cảm với ánh sáng, suy giảm thị lực, và chảy nước mắt không kiểm soát. Nếu do xuất huyết dưới kết mạc do chấn thương, bệnh lý nền, bạn nên thăm khám bác sĩ để được điều trị hợp lý.

Nên xử lý như thế nào khi mắt nổi gân đỏ?

Khi thấy mắt nổi gân đỏ, điều đầu tiên bạn nên làm là không cần phải quá lo lắng. Thay vào đó, bạn nên chú ý vệ sinh mắt bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý, và nghỉ ngơi nằm nghỉ mắt, tránh để mắt tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử. Nếu mắt cảm thấy ngứa ngáy, nóng rát, bạn nên dùng khăn mềm nhúng nước ấm để lau mắt, không nên dùng tay để gãi hoặc dụi mắt.

Phương pháp điều trị mắt nổi gân đỏ
Phương pháp điều trị mắt nổi gân đỏ

Theo Dược sĩ CK1 Nguyễn Quốc Trung – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, nếu tình trạng mắt nổi gân đỏ không giảm và đi kèm với các triệu chứng khó chịu khác, bạn nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

    • Sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa thành phần chống dị ứng và nước mắt nhân tạo nếu mắc viêm kết mạc do dị ứng.
    • Dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc bôi mắt chứa kháng sinh nếu mắc viêm kết mạc do vi khuẩn.
    • Chăm sóc và vệ sinh mắt đúng cách, sử dụng nước mắt nhân tạo nếu mắc viêm kết mạc do virus hoặc xuất huyết dưới kết mạc.
    • Uống thuốc giảm đau nếu mắt bị phù nề, sưng đau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.

Hãy tuân thủ chính xác liều lượng và cách sử dụng các loại thuốc mà bác sĩ kê đơn. Dù triệu chứng có giảm nhẹ, bạn cũng cần tuân thủ lịch tái khám và tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ định để đảm bảo điều trị hiệu quả và tránh tình trạng tái phát. Nếu cảm thấy bất kỳ khó chịu nào trong quá trình điều trị, hãy ngừng sử dụng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ.

Phương pháp khắc phục tình trạng mắt nổi gân đỏ

Để phòng ngừa các bệnh lý mắt như mắt nổi gân đỏ, sưng đau, nóng rát, và giảm tầm nhìn, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau đây:

    • Khi rửa mặt, chú ý vệ sinh mắt bằng cách loại bỏ ghèn và dịch ghèn ở mắt, đặc biệt là sau khi thức dậy.
    • Rửa tay thường xuyên và tránh đưa tay lên chạm vào mắt, mũi, miệng,… Điều này rất quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
    • Hạn chế tiếp xúc lâu dài với các thiết bị điện tử vì ánh sáng xanh có thể gây tổn hại cho mắt.
    • Cho mắt được nghỉ ngơi và thư giãn, đồng thời thực hiện các bài tập massage nhẹ nhàng.
    • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, C, E để nuôi dưỡng mắt khỏe mạnh.
    • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, mắt kính, mỹ phẩm với người khác.
    • Đeo kính mát khi ra ngoài nắng, kính bơi khi đi bơi, và kính bảo hộ khi làm việc hoặc tham gia thể thao.
    • Không lạm dụng kính áp tròng, chỉ đeo khi cần thiết và không đeo qua đêm.
    • Khám mắt định kỳ để đảm bảo sức khỏe mắt luôn được bảo vệ và phát hiện sớm các vấn đề.
    • Khám mắt ngay nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào gây khó khăn khi nhìn.

Nguồn: https://caodangyduocdaklak.com/