Các món ăn từ mướp như canh mướp, mướp xào lòng gà, mướp nhồi thịt,… đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ mướp có tác dụng gì đối với sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về thành phần dinh dưỡng của mướp và một số lưu ý khi kết hợp mướp với các thực phẩm khác.
Các thành phần dinh dưỡng có trong mướp
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, mướp hay còn gọi là mướp hương, có tên khoa học là Luffa Cylindrica, thuộc họ bầu bí. Mỗi quả mướp dài trung bình từ 20 đến 30 cm. Ngoài việc được sử dụng làm rau trong các món canh, xào, mướp còn có thể tận dụng xơ mướp già để làm cọ rửa.
Ở Việt Nam, mướp được ưa chuộng trong các món ăn như canh và xào. Loại quả này có vị ngọt, tính mát, giúp thanh nhiệt cơ thể.
Mướp rất giàu vitamin và khoáng chất như Vitamin A, Vitamin C, Vitamin K, Vitamin B6, Kali, Magie, Phospho,… Ngoài ra, mướp còn chứa các thành phần hóa học khác như Saponin, Galactan, Mannan, Choline và nhiều amino axit tự do. Lượng calo, chất béo, và protein trong mướp khá thấp, vì vậy đây là một lựa chọn tuyệt vời cho những người muốn giảm cân.
Tác dụng của mướp đối với cơ thể
Bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do
Các chất chống oxy hóa trong mướp được cho là có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của gốc tự do. Các sắc tố hữu cơ như Zeaxanthin và Lutein, có tính oxy hóa mạnh, đặc biệt tập trung trong mướp. Chúng giúp bảo vệ các cơ quan như tim và phòng ngừa hiệu quả các bệnh như ung thư tuyến tiền liệt. Vỏ mướp là phần chứa nhiều chất chống oxy hóa nhất, vì vậy nên tận dụng vỏ mướp khi chế biến.
Kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa
Mướp chứa nhiều nước, giúp làm mềm phân và ngăn ngừa táo bón. Đồng thời, mướp cũng giàu chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chất xơ không hòa tan giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa trong ruột, giảm nguy cơ táo bón. Chất xơ hòa tan lại cung cấp dinh dưỡng cho vi khuẩn có lợi trong ruột, giúp tổng hợp axit béo chuỗi ngắn (SCFAs) nuôi dưỡng tế bào và làm giảm tình trạng viêm, ngăn ngừa hội chứng ruột kích thích và các bệnh lý như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
Cân bằng lượng đường trong máu
Một số hợp chất trong mướp giúp giảm lượng đường trong máu. Nếu bạn bị tiểu đường, bổ sung mướp vào chế độ ăn có thể giúp kiểm soát lượng đường huyết. Nghiên cứu cũng cho thấy chế độ ăn giàu chất xơ từ rau quả như mướp có thể giúp phòng ngừa tiểu đường tuýp 2.
Cải thiện chức năng hệ tim mạch
Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, chế độ ăn giàu chất xơ, đặc biệt là Pectin có trong mướp, giúp giảm cholesterol xấu và cholesterol toàn phần, từ đó bảo vệ tim mạch. Kali trong mướp còn giúp giảm huyết áp thông qua cơ chế giãn mạch, góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Cải thiện thị lực
Mướp chứa các thành phần như Vitamin C, Beta Caroten, Zeaxanthin, và Lutein, giúp bảo vệ mắt khỏi các bệnh lý liên quan đến lão hóa như thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể. Các chất chống oxy hóa này đặc biệt tác dụng tích cực cho võng mạc, giúp duy trì thị lực sáng rõ.
Giúp giảm cân
Với lượng calo thấp và hàm lượng nước lớn, mướp là thực phẩm lý tưởng cho những ai muốn giảm cân. Chất xơ trong mướp giúp duy trì cảm giác no lâu và giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân hiệu quả.
Một số tác dụng khác
Mướp còn có nhiều lợi ích sức khỏe khác như:
- Phòng ngừa ung thư: Các chất chống oxy hóa trong mướp giúp ngăn chặn hoạt động của gốc tự do, hạn chế sự phát triển của các tác nhân gây ung thư.
- Giúp xương khớp chắc khỏe: Vitamin K, Magie, Zeaxanthin và Lutein trong mướp hỗ trợ xương khớp, giúp duy trì cấu trúc vững chắc.
- Hỗ trợ tuyến tiền liệt: Dưỡng chất trong hạt mướp có thể giúp điều hòa chức năng tuyến tiền liệt, giảm các triệu chứng như khó tiểu và suy giảm chức năng tình dục.
- Hỗ trợ chức năng tuyến giáp: Một số hợp chất trong vỏ mướp có thể duy trì sự ổn định của hormone tuyến giáp, mặc dù cần thêm nghiên cứu để xác nhận tác dụng này.
Một số lưu ý khi kết hợp mướp với thực phẩm khác
Mặc dù mướp mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng không phải lúc nào nó cũng phù hợp để kết hợp với mọi loại thực phẩm. Dưới đây là một số thực phẩm không nên ăn hoặc chế biến cùng mướp:
- Cá chạch: Hàm lượng Vitamin B1 trong mướp có thể tương tác với enzyme trong cá chạch, dẫn đến việc Vitamin B1 bị phân hủy và không phát huy tác dụng tốt với cơ thể.
- Củ cải trắng: Củ cải trắng có tính hàn tương tự mướp. Khi kết hợp với nhau, món ăn có thể gây đau bụng hoặc lạnh bụng.
- Cải bó xôi: Cả mướp và cải bó xôi đều có tính hàn và chứa hàm lượng chất xơ cao. Khi ăn cùng lúc, chúng có thể kích thích nhu động ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy và đau bụng.