Bệnh lao phổi có mấy giai đoạn và cách điều trị

21

Lao phổi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nguyên nhân chủ yếu của nó là do vi khuẩn lao, không chỉ gây bệnh trong phổi mà còn có thể xâm nhập và tấn công các cơ quan khác trong cơ thể. Bài viết dưới đây nhằm giới thiệu về các giai đoạn của bệnh lao phổi.

Bệnh lao phổi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Bệnh lao phổi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Tìm hiểu về bệnh lao phổi

Theo Dược sĩ CK1 Nguyễn Quốc Trung – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, bệnh lao phổi thường do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn này tồn tại trong dịch tiết của người bệnh, dễ dàng phát tán ra môi trường thông qua các hoạt động như ho, hắt hơi, nói chuyện, hoặc khạc nhổ. Khi người khác tiếp xúc với những giọt bắn này, vi khuẩn lao có thể xâm nhập vào cơ thể và gây ra bệnh tại phổi.

Ngoài phổi, vi khuẩn lao cũng có thể lan ra các cơ quan khác qua máu hoặc hệ bạch huyết, gây ra các dạng bệnh như lao màng não, lao hạch bạch huyết, lao màng bụng, lao màng phổi, lao xương khớp, lao ruột, và lao hệ sinh dục – tiết niệu. Tuy nhiên, lao phổi chiếm tỷ lệ cao nhất (80 – 85% trong số các trường hợp bị lao) và cũng là cơ quan phổ biến nhất để vi khuẩn lao lan truyền ra ngoài.

Vi khuẩn lao rất kháng lại axit và cồn, nên có thể sống sót dù ở nồng độ môi trường mà các vi khuẩn khác không thể sống được.

Các dấu hiệu đặc trưng khi mắc bệnh lao phổi bao gồm: mệt mỏi liên tục, đau ngực, khó thở, ho kéo dài trên 3 tuần với các biểu hiện như ho khan, ho ra máu, ho có đờm, chán ăn, sút cân, gầy gò, đêm đổ mồ hôi nhiều, sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh vào buổi chiều.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh lao phổi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như ho ra máu, tràn khí và dịch màng phổi, cũng như các di chứng sau khi chữa trị như giãn phế quản, suy hô hấp mạn tính, tràn khí màng phổi, và u nấm phổi.

Các giai đoạn của bệnh lao phổi

Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể, bệnh không thể bộc phát ngay mà đi qua các giai đoạn phát triển. Có thể mất vài tháng, vài năm hoặc thậm chí nhiều năm sau khi tiếp xúc mới xuất hiện rõ ràng các triệu chứng của bệnh. Dưới đây là các giai đoạn của lao phổi:

Lao nguyên phát

Đây là giai đoạn đầu tiên khi cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn lao. Kết quả xét nghiệm có thể âm tính, chụp X-quang phổi không thấy dấu hiệu bất thường, và lâm sàng cũng không phát hiện bất kỳ triệu chứng cụ thể nào.

Lao tiềm ẩn

Các giai đoạn của bệnh lao phổi
Các giai đoạn của bệnh lao phổi

Giai đoạn tiếp theo được gọi là nhiễm trùng lao tiềm ẩn. Theo Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, khi phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn lao, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng chống lại chúng. Có nhiều trường hợp bị lao tiềm ẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng trong thời gian ban đầu, thậm chí là suốt cuộc đời.

Chuyển đổi từ lao tiềm ẩn sang lao hoạt động: Tình trạng này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào khi sức đề kháng của người bệnh suy giảm, mất khả năng chống lại vi khuẩn lao. Những đối tượng dễ gặp phải tình trạng này bao gồm trẻ nhỏ, người già, người nhiễm HIV/AIDS, người suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.

Do nguy cơ chuyển đổi từ lao tiềm ẩn sang lao hoạt động rất cao, việc điều trị sớm sẽ tăng cơ hội chữa khỏi bệnh. Khi chẩn đoán mắc lao tiềm ẩn, bác sĩ thường chỉ định tiêm kháng sinh isoniazid liên tục trong khoảng 6 – 12 tháng. Cũng có những người được chỉ định điều trị theo đợt ngắn khoảng 3 tháng, sử dụng 1 hoặc kết hợp 2 loại kháng sinh tùy theo từng trường hợp.

Lao hoạt động

Lao hoạt động là giai đoạn khi bệnh đã bộc lộ các triệu chứng rõ rệt, bao gồm:

    • Ho kèm đờm hoặc ho ra máu, kéo dài trên 3 tuần;
    • Sự suy nhược cơ thể, mệt mỏi, chán ăn, sút cân, gầy yếu;
    • Khó thở, đau ngực thường xuyên;
    • Trẻ em chậm phát triển;
    • Cảm giác ớn lạnh và sốt;
    • Ra mồ hôi nhiều vào ban đêm.

Khi bệnh nhân thực hiện xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm da, kết quả có thể âm tính hoặc dương tính, tuy nhiên, chụp X-quang phổi sẽ phát hiện các tổn thương do nhiễm trùng lao.

Đối với lao hoạt động, phương pháp điều trị thường bao gồm kê đơn ít nhất 3 loại kháng sinh kết hợp, duy trì trong khoảng 6 – 9 tháng tùy thuộc vào sự phát triển của bệnh. Các loại kháng sinh thông thường bao gồm rifampin, ethambutol, isoniazid và pyrazinamide.

Sau một vài tuần điều trị bằng kháng sinh, biểu hiện của bệnh sẽ cải thiện và nguy cơ lây nhiễm cho người khác sẽ giảm dần. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục hoàn thành toàn bộ phác đồ điều trị và không nên tự ý ngưng thuốc để tránh tình trạng lao kháng thuốc và nguy cơ tái nhiễm trong tương lai.

Nguồn: https://caodangyduocdaklak.com/