Ung thư da là một trong những loại ung thư phổ biến ngày nay. Do đó, việc nắm rõ nguyên nhân và nhận diện dấu hiệu của ung thư da đóng vai trò quan trọng, giúp gia đình và cá nhân có thể phòng tránh và điều trị bệnh một cách hiệu quả.
Tìm hiểu về ung thư da
Theo Cô Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, ung thư là một tình trạng mà các tế bào phát triển không bình thường và không tuân thủ theo quy trình tự nhiên, tạo ra các khối u ác tính, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể. Ung thư da đặc biệt là sự phát triển không kiểm soát của các tế bào da.
Ung thư da thường được phân loại thành ba dạng chính: ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh ung thư da?
Bệnh ung thư da có nguyên nhân phức tạp, bao gồm các yếu tố di truyền, môi trường sống và thói quen hàng ngày. Các nhóm người sau đây có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư da:
Làm việc ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc với tia UV trong thời tiết nắng nóng, ở khu vực có khí hậu nắng nóng lâu dài.
- Sử dụng mỹ phẩm chứa các chất gây hại cho da.
- Có nốt ruồi, tàn nhang, đặc biệt là trên tay và mặt.
- Tiếp xúc thường xuyên với hợp chất độc hại như asen, tia phóng xạ.
- Có người thân trong gia đình từng mắc bệnh ung thư.
- Hút thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích.
- Bị tổn thương da do bỏng, cháy nắng hoặc viêm nhiễm không điều trị.
- Mắc các bệnh lý tiềm ẩn nguy cơ ung thư da như sừng quang hóa, viêm da mãn tính.
- Hệ miễn dịch yếu do cấy ghép nội tạng, cơ địa yếu, thiếu vận động, hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh, hoặc nhiễm HIV.
Ung thư da có những dấu hiệu nào?
Thầy Nguyễn Văn Đạt – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, người mắc bệnh ung thư da thường thấy các biểu hiện dễ nhận biết trên da từ giai đoạn sớm. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến mà bạn và gia đình nên chú ý để phòng và điều trị bệnh kịp thời:
- Nốt u tròn như hạt ngọc trên da: Dấu hiệu này thường có hình dạng tròn, mềm, màu trong và nhìn giống mụn nhưng không có nhân.
- Tổn thương da tiền ung thư: Da xuất hiện mảng sần sùi, thô ráp, và đóng vảy, chuyển từ màu nâu sang hồng đậm.
- Da trở nên chắc, rắn, xỉn màu: Vùng da tổn thương trở nên chắc, rắn, đỏ dần sau đó xỉn màu, lan dần ra và hình thành các mảng cứng có màu đỏ và xỉn.
- Nốt ruồi bất thường: Nốt ruồi phát triển nhanh chóng, đậm màu hơn và có kích thước lớn hơn, cảm giác đau khi chạm vào.
- Tổn thương có viền không rõ ràng: Đốm tối màu kỳ lạ, có màu đỏ, trắng, xanh hoặc đen, đặc biệt là lòng bàn tay, bàn chân, và vùng kín.
- Mụn cứng có màu vàng: Nốt mụn có màu vàng thường xuất hiện ở đầu, cổ, thân mình, hoặc cơ quan sinh dục.
- Nốt u có màu đỏ và trở nên tím bầm: Có màu đỏ, xanh, tím trông như nhọt nhưng bị lõm ở vùng trung tâm, đặc biệt là ung thư tế bào Merkel.
Nhận biết sớm các dấu hiệu này và thăm khám bác sĩ kịp thời có thể giúp tránh được những hậu quả nặng nề của bệnh ung thư da.
Có thể phòng ngừa bệnh ung thư da không?
Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, có một số biện pháp trong sinh hoạt hàng ngày mà chúng ta có thể áp dụng:
- Tránh tiếp xúc dài hạn với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là vào mùa hè nắng nóng. Khi tiếp xúc với ánh nắng, hãy đảm bảo che chắn bằng áo khoác, kính râm, mũ, và bôi kem chống nắng có chỉ số SPF cao (>30), thường xuyên thoa lại sau mỗi 2-3 giờ.
- Hạn chế tiếp xúc và làm việc với hóa chất độc hại. Sử dụng đồ bảo hộ và thăm khám sức khỏe định kỳ nếu làm việc trong môi trường ô nhiễm.
- Bỏ hút thuốc lá và các chất kích thích.
- Tạo môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh da đều đặn, tránh sử dụng mỹ phẩm có chứa các thành phần kích ứng và độc hại cho da.
- Hỏi ý kiến bác sĩ và chuyên gia trước khi sử dụng mỹ phẩm và thuốc điều trị, để tránh tác dụng phụ có hại cho da và cơ thể.
- Thăm khám bác sĩ khi có các biểu hiện bất thường để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Đây là những biện pháp cần thực hiện để phòng tránh và nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư da. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, hãy đến bệnh viện hoặc các phòng khám để được tư vấn và chăm sóc đúng cách.