Chọn nghề rồi mới chọn trường

14

Xét tuyển đại học, thí sinh nên chọn trường hay chọn nghề trước? Đây là câu hỏi đặt ra của rất nhiều em học sinh không chỉ trong mùa tuyển sinh năm 2022 mà còn tồn tại trong các mùa tuyển sinh trước đó.

Năm 2022, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sẽ được diễn ra vào ngày mùng 7 và mùng 8/7. Tính đến thời điểm thi, các em học sinh lớp 12 không còn nhiều thời gian nữa. Trong thời điểm này ngoài gấp rút ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, hầu hết các em đều đang rất băn khoăn, lo lắng cho kỳ tuyển sinh đại học diễn ra sau đó. Có nhiều em cho đến thời điểm hiện tại vẫn loay hoay chưa biết nên học ngành nào, lựa chọn trường nào cho hợp lý.

Chọn nghề rồi mới chọn trường
Chọn nghề rồi mới chọn trường

PGS – TS Mai Quốc Chánh, hiện đang là hiệu trưởng trường đại học Lương Thế Vinh, từng là trưởng khoa Quản trị nhân lực (Kinh tế lao động) của trường Kinh tế Quốc dân với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, cùng những nghiên cứu về thị trường lao động thầy đưa ra lời khuyên cho các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh rằng: Nên chọn nghề trước khi chọn trường.

Vì sao phải chọn nghề trước?

Thầy Chánh giải thích rằng, chọn nghề thích hợp là quan trọng nhất bởi chọn nghề thường theo nguyện vọng, còn chọn trường lại theo khả năng. Quá trình chọn nghề, chọn trường các em phải tỉnh táo để có quyết định phù hợp với bản thân. Ví dụ một học sinh yêu thích ngành Công nghệ thông tin, nếu như học lực của các em tốt thì có thể thi vào những trường tốp đầu (ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công Nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội…), trình độ khá có thể lựa chọn khoa đó ở những trường lấy điểm thấp hơn chút (ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Mở Hà Nội, ĐH Tài nguyên và Môi Trường…), học lực trung bình các em vẫn có nhiều lựa chọn tại các trường nghề.

Thực tế hiện nay cho thấy, vẫn có bộ phận học sinh và phụ huynh có tư tưởng “chọn trường trước rồi chọn nghề sau”. Nhiều học sinh, nhiều phụ huynh còn có tư tưởng học trường không danh giá, không ở tốp đầu thì xấu hổ với mọi người, và chỉ ở những trường đó ra trường mới có cơ hội công việc tốt. Đây là một sai lầm lớn, dẫn đến hậu quả vô cùng lớn với các em học sinh sau này bởi nếu vào được trường danh giá mà không được học đúng chuyên ngành mình yêu thích và có sở trường thì sau này ra trường sẽ rất khó khăn. Thậm chí học rồi, các em lại không yêu thích ngành học, lực học sa sút, không theo kịp chương trình còn dẫn đến nguy cơ các em khó hoặc không ra được trường theo dự kiến. Rồi lỡ đi mất rất nhiều cơ hội tốt cho bản thân.

Chọn trường, chọn ngành hay chọn nghề, thí sinh nên tập trung vào cái gì? Nhiều khi việc trả lời câu hỏi này khiến không ít phụ huynh và học sinh khó nghĩ. Các em học sinh muốn định hướng nghề nghiệp, học ngành nào, trường nào thì ngay từ rất sớm nên bắt đầu suy nghĩ về việc các em muốn trở thành ai trong tương lai. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể tưởng tượng ra mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nó sẽ giúp các em suy nghĩ về định hướng nghề nghiệp để thu hẹp khoảng cách lựa chọn với việc muốn học ngành/chuyên ngành gì.

Trong bối cảnh có quá nhiều chương trình đào tạo. Chương trình nào cũng tuyên bố hùng hồn về chuẩn đầu ra và vị trí việc làm khiến các gia đình hoang mang và bắt đầu từ chọn trường vì tìm kiếm thông tin liên quan dễ hơn tìm kiếm thông tin về các ngành đào tạo uy tín. Thực trạng này cũng xuất hiện ở một số quốc gia khác. Có số liệu cho thấy, so với những em chọn lựa ngành học, số bắt đầu bằng việc chọn trường có tỷ lệ bỏ học cao hơn.

Chọn nghề rồi mới chọn trường
Chọn nghề rồi mới chọn trường

Làm thế nào để xác định được đúng ngành học:

Các em hãy nhớ, việc lựa chọn ngành không phải là một bản án không thể thay đổi được. Nếu chưa xác định được ngành thì lựa chọn “chưa xác định” cũng là một phương án. Nhưng ngay sau đó phải có phương hướng để hiểu mình, hiểu ngành nghề giúp sớm ra quyết định. Để hiểu mình, có nhiều công cụ trắc nghiệm tiêu chuẩn cho việc này. Hãy xác định mình thích gì, kỹ năng nào tốt, có tài lẻ nào, những giá trị của cá nhân mình là gì, tính cách bản thân, thích công việc linh hoạt hay lặp lại…

Ngoài ra, để hiểu về ngành nghề, chúng ta có thể tra cứu danh mục các nghề nghiệp ở Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế ấn hành với hơn 185 nghề. Học sinh có thể nghiên cứu kỹ bản mô tả chương trình đào tạo mà các trường công khai về ngành học, đọc xem các học phần trong đó có gì hấp dẫn. Các em có thể tìm hiểu nghề nghiệp qua việc đăng ký thực tập trải nghiệm, làm tình nguyện viên giúp việc hoặc có thể trải nghiệm qua game mô phỏng. Có nhiều cách thức giúp học sinh khám phá, trải nghiệm nghề nghiệp.