Bí quyết giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa

8

Ngày nay, có đa dạng các phương pháp hỗ trợ tiêu hóa, từ chế độ dinh dưỡng, lối sống đến việc thăm khám và sử dụng thuốc. Những thông tin được chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn lựa chọn phương pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe và điều kiện cá nhân của mình.

Có nhiều phương pháp giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa
Có nhiều phương pháp giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa có vai trò gì?

Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cho biết, trước khi áp dụng biện pháp hỗ trợ tiêu hóa, hiểu rõ vai trò của hệ tiêu hóa là rất quan trọng. Hệ này bao gồm các cơ quan như miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, tuyến tụy, gan, túi mật, đại tràng, trực tràng và hậu môn, chuyên trách tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Chất dinh dưỡng sẽ được phân giải thành các thành phần nhỏ hơn để cơ thể hấp thụ, trong khi độc tố và chất thải sẽ được loại bỏ. Hơn nữa, hệ tiêu hóa liên kết chặt chẽ với hệ thần kinh, và việc ăn uống thú vị có thể kích thích sản xuất hormone hạnh phúc, giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi.

Bí quyết giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa hiệu quả

Sự hoạt động hiệu quả của hệ tiêu hóa không chỉ đảm bảo sức khỏe vật lý mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tinh thần lạc quan và tích cực. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ tiêu hóa trở nên vô cùng quan trọng và cần thiết.

Uống đủ nước

Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để giúp tiêu hóa hoạt động tốt. Với lượng nước từ 2 – 2,5 lít mỗi ngày, bạn có thể duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Nước giúp cải thiện quá trình chuyển hóa thức ăn và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Đồng thời, nó kích thích hoạt động nhẹ nhàng của dạ dày, giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón, đầy bụng và khó tiêu. Hãy nhớ uống nước sau khi thức dậy và trước khi ăn khoảng 30 phút, và ưu tiên nước lọc thay vì nước ngọt hoặc đồ uống có đường.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Theo Thầy Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò quan trọng. Dưới đây là một số điều bạn nên lưu ý khi áp dụng biện pháp hỗ trợ tiêu hóa thông qua chế độ ăn uống:

    • Bổ sung các thực phẩm lên men như sữa chua, yogurt, và phô mai để tăng cường lợi khuẩn probiotic, giúp cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hóa. Cách đơn giản nhất là sau mỗi bữa ăn, bạn có thể ăn một hộp sữa chua. Hãy cố gắng tiêu thụ từ 1 đến 2 hộp mỗi ngày.
    • Bổ sung thêm thực phẩm giàu kẽm như hàu, trứng, và các loại quả hạch. Kẽm giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị một số vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy và viêm đại tràng, đồng thời giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
    • Tăng cường lượng chất xơ từ rau xanh và trái cây, vì chất xơ giúp làm mềm phân và phòng tránh tình trạng táo bón. Ngoài ra, chất xơ cũng giúp tạo cảm giác no lâu, giúp duy trì cân nặng lý tưởng và sức khỏe tổng thể.
    • Ưu tiên sử dụng protein tốt từ các loại thịt trắng như gà, vịt hoặc hải sản để giảm nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, thậm chí là ung thư.
    • Cung cấp chất béo lành mạnh từ cá, dầu ô liu, và quả bơ để hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa.
Chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ hệ tiêu hóa
Chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ hệ tiêu hóa

Cải thiện thói quen sinh hoạt

Dưới đây là những thói quen sinh hoạt tích cực để hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa:

    • Uống đủ nước và uống từng ngụm nhỏ, đặc biệt khi cảm thấy nghẹn ở cổ họng hoặc ợ hơi do trào ngược axit.
    • Không bỏ bữa và tăng cường ăn các loại rau xanh, trái cây, protein tốt, và chất béo lành mạnh trong mỗi bữa ăn. Phân chia thành 5 – 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa và tránh hiện tượng trào ngược.
    • Sau khi ăn, hãy thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng thay vì nằm ngay để giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
    • Tránh ngồi lâu một chỗ và không giữ lại nhu cầu đi đại tiện để phòng tránh tình trạng táo bón hoặc nguy cơ trĩ.
    • Đảm bảo ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng, mệt mỏi để tinh thần được thư giãn và lạc quan, từ đó cải thiện chức năng tiêu hóa.
    • Tuyệt đối tránh sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

Khám và sử dụng thuốc

Dùng thuốc để hỗ trợ tiêu hóa có thể cần thiết khi gặp triệu chứng như trào ngược, ợ hơi, khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy, hoặc táo bón kéo dài. Tuy nhiên, không nên tự y áp dụng thuốc mà cần thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán để điều trị phù hợp. Bệnh lý như bệnh thực quản, dạ dày, đường ruột, gan – mật, hoặc trĩ cũng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa, và điều trị đúng cách là cần thiết để tránh biến chứng.

Nguồn: https://caodangyduocdaklak.com/