Viêm da dị ứng là một vấn đề phổ biến về da liễu, ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Khi gặp phải viêm da dị ứng, người bệnh thường phải đối mặt với nhiều khó khăn và bất tiện trong cuộc sống hàng ngày.
Thế nào là viêm da dị ứng?
Theo chia sẻ từ Thầy Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, bệnh này còn được biết đến dưới tên chàm thể tạng hoặc chàm cơ địa, thường xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi mặc dù có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Không có nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Tính chất của bệnh có thể phân thành hai loại dựa trên mức độ và thời gian mắc:
- Viêm da dị ứng cấp tính: Thường kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, biểu hiện thường là mụn nước, đỏ, nóng rát, và sưng phù trên da.
- Viêm da dị ứng mạn tính: Thường tái phát nhiều lần và có ảnh hưởng nặng nề hơn đối với da, điều này làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Phân loại bệnh viêm da dị ứng
Tùy theo nguyên nhân gây ra, bệnh viêm da dị ứng có thể chia thành các loại sau:
- Viêm da dị ứng do tiếp xúc: Xuất hiện khi da tiếp xúc với các chất gây dị ứng như mỹ phẩm, hóa chất, kim loại, hoặc nọc độc của côn trùng. Đây là phản ứng miễn dịch và thường kéo dài từ 1 đến 4 tuần.
- Viêm da dị ứng do thời tiết: Thường bùng phát vào các thời điểm giao mùa hoặc trong điều kiện không khí hanh khô, lạnh của mùa đông.
- Viêm da dị ứng do tiếp xúc với vi khuẩn: Xảy ra khi các mụn nước từ viêm da dị ứng bị vỡ, cho phép vi khuẩn từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào làm da sưng đỏ, ngứa, đau rát. Nếu không được điều trị đúng cách, có thể gây hoại tử hoặc nhiễm trùng máu.
- Viêm da dị ứng cơ địa: Thường xuất hiện ở những người có cơ địa hoặc di truyền dễ bị dị ứng. Bệnh này khó kiểm soát và thường tái phát nhiều lần.
Các triệu chứng khi bị viêm da dị ứng
Cô Nguyễn Thị Thắm – hiện đang là giảng viên tại Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, các triệu chứng phổ biến khi mắc bệnh này bao gồm ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ, thường xuất hiện ở cánh tay, khuỷu tay, má, da đầu hoặc mặt sau đầu gối. Ngoài ra, có thể gặp các triệu chứng khác như kích ứng, bong tróc, thô ráp.
Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh cũng có thể gặp phải các dấu hiệu khác như:
- Nổi mụn nước, có thể chảy dịch.
- Mảng da xám hoặc tối màu trên một số vùng trên cơ thể.
- Da phồng rộp, đóng vảy, khô, tróc.
- Trong trường hợp nặng, đặc biệt ở trẻ em, có thể gặp chán ăn, mệt mỏi, sốt.
Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, bao gồm:
- Gây rối giấc ngủ và tâm trạng: ngứa ngáy, đau rát có thể làm khó chịu và gây khó khăn khi ngủ. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi. Bên cạnh đó, da bong tróc có thể làm mất tự tin, đặc biệt là ở trẻ em, gây ra tình trạng tự ti và xấu hổ.
- Nguy cơ nhiễm trùng da: Da khô nẻ, bong tróc, khiến cho người bệnh dễ tự gãi, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.
- Liên quan đến hen suyễn và viêm mũi dị ứng: Viêm da dị ứng thường đi kèm với hen suyễn và viêm mũi dị ứng, và có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Đối tượng nào dễ bị viêm da dị ứng?
Theo phân loại bệnh như vậy, nguyên nhân dẫn đến viêm da dị ứng có thể bao gồm môi trường, hệ miễn dịch và yếu tố di truyền.
Các yếu tố phổ biến bao gồm mỹ phẩm, hóa chất, nấm mốc, bụi, phấn hoa, và một số thực phẩm như trứng, sữa, đậu phộng. Thay đổi môi trường và thời tiết, đặc biệt là khí hậu khô lạnh cũng có thể gây ra bệnh.
Ở phụ nữ, biến đổi nội tiết trong kỳ kinh nguyệt cũng có thể là một nguyên nhân. Nếu bố hoặc mẹ mắc các bệnh dị ứng như viêm da dị ứng hoặc viêm mũi dị ứng, thì nguy cơ mắc bệnh của con cũng cao hơn do yếu tố di truyền.
Mặc dù bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trẻ em thường là đối tượng dễ bị viêm da dị ứng nhất. Ở trẻ sơ sinh, bệnh có thể bắt đầu với các nốt chàm sữa và sau đó lan rộng, nhưng thường sẽ cải thiện khi trẻ đạt khoảng 18 tháng tuổi.
Nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn ở những người có người thân trong gia đình mắc bệnh và ở những người có làn da khô, nhạy cảm.