Đau ngực không ổn định là gì và nguyên nhân gây bệnh

5

Đau ngực không ổn định là triệu chứng phổ biến trong các bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh động mạch vành. Cơn đau này xuất hiện đột ngột, không thể dự đoán trước và không theo một quy luật cụ thể, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Do đó, việc nhận diện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Đau ngực không ổn định là triệu chứng phổ biến trong các bệnh tim mạch
Đau ngực không ổn định là triệu chứng phổ biến trong các bệnh tim mạch

Đau ngực không ổn định là gì?

Theo Cô Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, đau ngực không ổn định là thuật ngữ mô tả tình trạng đau ngực đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, có thể xảy ra ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Đây là kết quả của việc lượng máu cung cấp cho cơ tim bị giảm đột ngột, thường do mảng xơ vữa vỡ hoặc huyết khối gây tắc nghẽn động mạch vành. Triệu chứng này rất nguy hiểm và cần được xem là tình huống cấp cứu y tế.

Đặc điểm của cơn đau ngực không ổn định bao gồm:

    • Đau xảy ra cả khi nghỉ ngơi và khi gắng sức, có thể xuất hiện vào ban đêm.
    • Đau chủ yếu ở vùng giữa sau xương ức, có thể lan lên cổ, xương hàm, vai, tay, sau lưng, và thượng vị, thường là đau ở mặt trong của cánh tay trái và lan xuống các ngón tay.
    • Đau có tính chất thắt, cảm giác như bị đè nén hoặc chèn ép, có thể kèm theo cảm giác đau buốt.
    • Cơn đau kéo dài từ 5 đến 30 phút, không giảm khi nghỉ ngơi và không hiệu quả khi dùng thuốc giãn mạch.

Ngoài cơn đau, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như: mệt lả, hồi hộp, hụt hơi, đánh trống ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, ra mồ hôi, v.v.

Người bệnh cần nhanh chóng đến bác sĩ chuyên khoa nếu gặp các tình huống sau:

    • Cơn đau ngày càng nghiêm trọng và kéo dài.
    • Tăng cảm giác khó thở và mệt mỏi.
    • Ngất hoặc cảm giác sắp ngất.
    • Chóng mặt hoặc nôn mửa.
    • Nhịp tim không ổn định, dưới 60 nhịp/phút hoặc trên 100 nhịp/phút.
    • Không hiệu quả với thuốc trợ tim.

Phân biệt đau ngực không ổn định và đau ngực ổn định

Đau ngực có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó phổ biến nhất là xơ vữa động mạch vành. Do đó, cần phân biệt giữa đau ngực không ổn định và đau ngực ổn định.

Đau ngực ổn định:

    • Thời gian mỗi cơn đau: Dưới 2-5 phút.
    • Tính chất: Đau xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch. Đau ngực ổn định không liên quan đến nứt mảng xơ vữa hay hẹp mạch, nhưng cần điều trị để ngăn ngừa đau ngực không ổn định.

Đau ngực không ổn định:

Thời gian đau của đau ngực không ổn định dài hơn
Thời gian đau của đau ngực không ổn định dài hơn
    • Thời gian đau: Có thể kéo dài đến 30 phút.
    • Tính chất: Đau nghiêm trọng, không giảm khi nghỉ ngơi, và nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Theo Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, đau ngực không ổn định thường xuất hiện trước đau ngực ổn định. Nếu không được điều trị sớm và hiệu quả, cơn đau không ổn định sẽ gia tăng tần suất và trở nên nghiêm trọng hơn, xen kẽ giữa các đợt đau ổn định.

Đau ngực không ổn định được gây ra bởi nguyên nhân nào?

Bệnh động mạch vành: Đau ngực không ổn định thường gắn liền với bệnh động mạch vành, khi các động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp do mảng bám xơ vữa. Khi mảng bám này vỡ ra, có thể hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn dòng máu đến tim.

Căng thẳng và stress: Căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến co thắt các động mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến tim và gây đau ngực.

Các yếu tố nguy cơ khác: Hút thuốc, tiểu đường, tăng huyết áp và cholesterol cao đều là các yếu tố nguy cơ góp phần gây đau ngực không ổn định.

Điều trị đau ngực không ổn định như thế nào?

Thông thường, điều trị nội khoa được áp dụng để ngăn ngừa huyết khối và cải thiện triệu chứng. Các loại thuốc có thể bao gồm thuốc giãn mạch, thuốc chống đông, và thuốc ức chế beta.

Nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, cần thực hiện các thủ thuật như phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc đặt stent.

Ngoài việc tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ, bệnh nhân đau ngực không ổn định nên:

    • Tập thể dục đều đặn và vừa sức.
    • Tránh hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
    • Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.
    • Ăn uống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng tốt cho tim mạch.
    • Giảm căng thẳng.

Phương án điều trị sẽ được bác sĩ điều chỉnh tùy theo tình trạng sức khỏe, nguyên nhân và mức độ đau ngực không ổn định của bệnh nhân.

Cần lưu ý rằng đau ngực không ổn định là tình huống cấp cứu và cần được xử lý kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Nắm vững thông tin về triệu chứng này giúp bạn chủ động phòng ngừa và xử trí khi cần thiết để bảo vệ sức khỏe.

Nguồn: https://caodangyduocdaklak.com/