Suy giảm chức năng thận : Nguyên nhân và biểu hiện

12

Suy giảm chức năng thận là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận và giảm tuổi thọ của bệnh nhân. Việc tìm hiểu thông tin về suy giảm chức năng thận, đặc biệt là nhận biết các dấu hiệu, giúp phát hiện sớm và áp dụng biện pháp xử lý kịp thời, từ đó ngăn chặn sự tiến triển nghiêm trọng của bệnh.

Suy giảm chức năng thận là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
Suy giảm chức năng thận là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

Nguyên nhân gây ra suy giảm chức năng thận

Theo Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, khi chức năng của thận suy giảm, quá trình lọc chất độc từ máu và loại bỏ các cặn bã sẽ bị gián đoạn. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến suy thận, khi đó bệnh nhân cần phải chạy thận hoặc thực hiện ghép thận để kéo dài sự sống. Nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng thận có thể bao gồm:

Giảm lưu lượng máu đến thận:

Các vấn đề như bệnh tim, suy gan, sốc phản vệ, mất máu… có thể dẫn đến giảm lưu lượng máu đến thận và gây suy thận. Cũng có một số loại thuốc như thuốc cao huyết áp, thuốc chống viêm… có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận.

Chức năng đào thải nước tiểu bất thường:

Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nước tiểu không được đào thải ra ngoài, dẫn đến tích tụ trong thận và suy giảm chức năng. Nguyên nhân có thể bao gồm các bệnh lý như ung thư đại tràng, u tuyến tiền liệt, hoặc sỏi tắc nghẽn đường tiểu.

Một số nguyên nhân khác: Bên cạnh những nguyên nhân trên, suy giảm chức năng thận cũng có thể xảy ra với các trường hợp:

    • Tuổi già: Khả năng làm việc của thận suy giảm theo thời gian.
    • Cục máu đông: Có thể xảy ra ở thận hoặc các khu vực xung quanh thận.
    • Các bệnh như viêm cầu thận, Lupus ban đỏ, tiểu đường, hội chứng tăng ure máu…
    • Nhiễm độc kim loại nặng.
    • Sử dụng các loại thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh, bệnh tự miễn…
    • Phụ nữ mang thai hoặc tiền sản giật.
    • Sử dụng thuốc giảm đau liên tục trong thời gian dài.
    • Chế độ ăn uống không cân đối, tiêu biểu là ăn quá mặn, ít uống nước, thường xuyên sử dụng nước có gas, nước ngọt…
    • Thói quen nhịn tiểu.

Suy giảm chức năng thận có những triệu chứng gì?

Các triệu chứng khi bị rối loạn chức năng thận
Các triệu chứng khi bị rối loạn chức năng thận

Theo Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cho biết thêm, thường trong giai đoạn đầu khi chức năng thận bắt đầu suy giảm, đa số bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng hoặc chúng có thể là mơ hồ. Điều này khiến cho việc nhận biết khó khăn. Khi được phát hiện, bệnh thường đã ở giai đoạn mạn tính hoặc nặng, làm cho việc điều trị trở nên phức tạp và tốn kém, cùng với việc rút ngắn tuổi thọ. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp phát hiện suy giảm chức năng thận:

Rối loạn giấc ngủ:

Khi chức năng thận suy giảm, người bệnh thường gặp phải khó ngủ, ngủ không sâu, hoặc ngưng thở khi ngủ. Nhiều người cũng trải qua tình trạng tiểu nhiều lần vào ban đêm, gây ra các vấn đề về giấc ngủ.

Cơ thể suy nhược:

Suy giảm chức năng thận có thể gây ra thiếu máu hoặc tích tụ độc tố và chất cặn, cùng với các vấn đề liên quan đến giấc ngủ kém, dẫn đến mệt mỏi và suy nhược cơ thể. Thiếu máu lên não có thể gây đau đầu, hoa mắt, ù tai, hoặc cảm giác loạng choạng.

Da khô và ngứa:

Sự tích tụ của các chất dư thừa trong máu khiến da khô và ngứa, do đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Đau lưng:

Đau ở vùng thắt lưng, hai bên hông hoặc dưới khung xương sườn có thể là dấu hiệu của suy giảm chức năng thận.

Rối loạn tiểu tiện:

Một trong những triệu chứng phổ biến là rối loạn tiểu tiện, bao gồm tiểu nhiều lần vào ban đêm, tiểu dắt, buốt, thay đổi màu sắc hoặc mùi của nước tiểu, nước tiểu có cặn, mủ hoặc máu, và nhiều bọt.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các vấn đề khác như tăng huyết áp, rối loạn tình dục, rối loạn kinh nguyệt, táo bón, tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn, nôn, tùy thuộc vào từng trường hợp. Khi có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ về suy giảm chức năng thận, việc thăm khám tại các cơ sở y tế đáng tin cậy là rất quan trọng để đưa ra chẩn đoán và kế hoạch điều trị phù hợp.

Nguồn: https://caodangyduocdaklak.com/