Những dấu hiệu nhận biết bệnh sốt phát ban và cách điều trị

3

Bệnh sốt phát ban rất dễ lây lan và có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng. Dù là trẻ em hay người lớn, không ai nên chủ quan khi mắc bệnh. Vậy các triệu chứng của sốt phát ban là gì và cách điều trị hiệu quả như thế nào?

Bệnh sốt phát ban rất dễ lây lan
Bệnh sốt phát ban rất dễ lây lan

Các nguyên nhân gây ra sốt phát ban

Theo Cô Trần Thị Minh Tuyến – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, bệnh sốt phát ban thường do các loại virus gây ra, phổ biến nhất là:

    • Virus human herpes 6 hoặc 7.
    • Virus sởi.
    • Virus rubella.
    • Các nguyên nhân khác: do chấy, rận, chuột… Trong những trường hợp này, bệnh có thể do vi khuẩn Rickettsia prowazekii, lây qua ký sinh trùng như bọ chét, chấy hay ve. Thường gặp ở những nơi có khí hậu lạnh, điều kiện sống kém và vệ sinh không đảm bảo, tạo điều kiện cho chấy, rận phát triển.

Bệnh sốt phát ban rất dễ lây lan từ người bệnh sang người khỏe mạnh qua tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ cá nhân. Đối với trẻ em, bệnh thường lây nhiễm từ bạn bè ở nhà trẻ, trường học, hoặc khu vui chơi.

Các triệu chứng khi bị sốt phát ban

Khi mắc bệnh sốt phát ban, bệnh nhân thường có các triệu chứng điển hình như sốt cao (có thể lên đến 40°C), kèm theo cảm giác ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, buồn nôn, mệt mỏi, và các nốt ban xuất hiện và lan ra khắp cơ thể. Dưới đây là biểu hiện bệnh theo từng đối tượng cụ thể:

Triệu chứng ở trẻ em:

    • Trẻ có thể sốt nhẹ khoảng 38°C, hoặc sốt cao hơn 40°C.
    • Sau ngày thứ 3 hoặc thứ 4, nhiệt độ sẽ giảm dần, nhưng các nốt ban bắt đầu xuất hiện và lan nhanh trong vài ngày. Các nốt ban đỏ thường xuất hiện ở mặt rồi lan ra toàn thân, có thể gây ngứa và làm trẻ cảm thấy khó chịu.

Triệu chứng ở người lớn:

    • Bệnh nhân thường ủ bệnh từ 1 đến 2 tuần sau khi nhiễm virus, và triệu chứng thường xảy ra đột ngột, kéo dài hơn ở trẻ em.
    • Sốt cao: Thường dao động khoảng 39°C, kèm theo ho, sổ mũi, đau đầu, viêm kết mạc.
    • Ban đỏ: Những nốt ban hồng nhạt, phẳng hoặc hơi nổi trên da, có thể xuất hiện trên toàn cơ thể mà không có tính chu kỳ. Tình trạng này có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày tùy vào mức độ nặng của bệnh.
    • Sưng hạch: Nổi hạch ở cổ hoặc quai hàm, cho thấy cơ thể đang phản ứng lại với tác nhân gây bệnh.
    • Một số triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, đau tai, chán ăn, viêm họng, tiêu chảy.
Triệu chứng sốt phát ban
Triệu chứng sốt phát ban

Phương pháp điều trị sốt phát ban

Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cũng cho biết thêm, đối với những trường hợp nhẹ, bệnh sốt phát ban có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm khi chăm sóc người bệnh:

    • Bệnh nhân cần nghỉ ngơi tuyệt đối trong suốt thời gian mắc bệnh.
    • Hạn chế tiếp xúc với nơi công cộng để tránh lây nhiễm cho người khác.
    • Thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, có thể lau người bằng nước muối ấm để giảm nguy cơ viêm nhiễm.
    • Uống nhiều nước lọc hoặc nước trái cây như nước cam, nước chanh để bổ sung vitamin và tăng cường sức đề kháng.
    • Hạ sốt đúng cách khi cần thiết, có thể dùng khăn ấm chườm hoặc thuốc hạ sốt. Nếu dùng thuốc, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng đúng liều lượng, tránh tác dụng phụ nguy hiểm.
    • Khi có các triệu chứng như đau họng, sổ mũi, có thể sử dụng thuốc để cải thiện.
    • Cung cấp điện giải (oresol) cho bệnh nhân khi bị sốt cao.
    • Nếu có dấu hiệu bội nhiễm, bệnh nhân cần được điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Chăm sóc đúng cách, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao hoặc co giật, cần đưa ngay đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Phòng ngừa sốt phát ban như thế nào?

Hiện nay, biện pháp phòng bệnh sốt phát ban hiệu quả nhất là tiêm vắc xin. Trẻ em có thể được tiêm vắc xin phòng virus sởi khi đủ 9 tháng tuổi. Phụ huynh cần đảm bảo tiêm đúng lịch và đủ liều theo hướng dẫn của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Đối với các nguyên nhân gây sốt phát ban chưa có vắc xin, biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất là tránh tiếp xúc với người bệnh và duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Trẻ em, đặc biệt là khi tiếp xúc trong môi trường đông người như nhà trẻ hay khu vui chơi, rất dễ lây sốt phát ban. Khi trẻ bị bệnh, cần cách ly và hạn chế tiếp xúc với các thành viên trong gia đình. Các thành viên trong gia đình cũng cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn để ngăn ngừa lây nhiễm.

Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, cần chú ý đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân, phòng ốc, giường chiếu, và môi trường sống. Biện pháp phòng bệnh tại những khu vực có điều kiện sống kém vệ sinh là rất quan trọng.

Nguồn: https://caodangyduocdaklak.com