Nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy trẻ bị da khô kèm theo bong tróc, nứt nẻ. Điều cần làm là xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này để có biện pháp khắc phục, giúp làn da của bé trở nên mềm mại và bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Nguyên nhân nào khiến trẻ bị da khô?
Theo chia sẻ từ Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cho biết, trẻ bị da khô là tình trạng khá phổ biến, nhưng không phải ai cũng biết nguyên nhân gây ra vấn đề này.
- Làn da bé nhạy cảm: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có làn da mỏng manh và nhạy cảm. Nếu việc vệ sinh và chăm sóc da không đúng cách, da bé sẽ trở nên khô hơn, bong tróc từng mảng và thậm chí kích ứng, khiến bé khó chịu và quấy khóc.
- Hàng rào bảo vệ da yếu: Hàng rào bảo vệ da (lớp da ngoài cùng và tuyến mồ hôi) của trẻ hoạt động yếu hơn so với người lớn. Chỉ cần một tác động nhỏ từ môi trường cũng có thể làm da bé bị tổn thương, trở nên khô hơn và dễ mắc các vấn đề khác như viêm da hay dị ứng.
- Tác động từ môi trường: Các yếu tố như bụi bẩn trong không khí, hóa chất trong nước hồ bơi, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thời tiết hanh khô và nhiệt độ không khí giảm đều có thể gây tổn hại cho làn da của trẻ, không chỉ riêng trẻ em mà cả người lớn cũng bị ảnh hưởng.
- Trẻ mắc bệnh da liễu: Trẻ bị da khô có thể do mắc các bệnh da liễu như chàm (viêm da dị ứng) hay bệnh vảy da. Những bệnh lý này rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, không chỉ khiến da khô mà còn gây mẩn đỏ, bong tróc, ngứa ngáy và thậm chí đau đớn, khiến trẻ cảm thấy khó chịu.
Phải làm sao khi trẻ bị da khô?
Khi thấy trẻ bị da khô, bạn có thể áp dụng những cách sau để giảm triệu chứng:
Vệ sinh, chăm sóc da đúng cách:
Điều này rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ mắc các vấn đề về da. Khi tắm cho bé, hãy sử dụng nước ấm và tránh nước quá nóng. Chọn sản phẩm tắm và dầu gội dành riêng cho bé để tránh gây kích ứng, ưu tiên các sản phẩm tự nhiên. Hạn chế thời gian tắm bé chỉ từ 5 – 10 phút. Sau khi tắm, lau khô và mặc quần áo thoáng mát. Tránh sử dụng phấn rôm trên da bé.
Bôi kem dưỡng ẩm mỗi ngày:
Dược sĩ CK1 Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cũng cho biết thêm, đối với trẻ bị da khô và bong tróc, việc bôi kem dưỡng ẩm là rất quan trọng. Bôi kem ngay sau khi tắm và khoảng 2 lần mỗi ngày. Bôi một lớp mỏng và massage nhẹ nhàng để kem thẩm thấu tốt hơn. Đặc biệt, sau khi tắm biển hoặc hồ bơi, cần tắm lại bằng nước sạch và bôi kem dưỡng ẩm ngay sau đó để bảo vệ da khỏi tác động của muối, hóa chất và ánh nắng mặt trời.
Sử dụng các thành phần tự nhiên:
Ngoài kem dưỡng ẩm, bạn cũng có thể dùng dầu dừa, dầu ô liu, mật ong, yến mạch,… để dưỡng da cho bé. Những thành phần này giúp cấp ẩm và dưỡng chất để da bé mềm mại và khỏe mạnh hơn. Kiên trì thực hiện mỗi ngày và sau 1 – 2 tuần sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
Bảo vệ da khi đi ra ngoài:
Khi bé ra ngoài, đừng quên bôi kem chống nắng loại dành riêng cho bé và cho bé đội mũ, đeo khẩu trang, mặc áo khoác, mang bao tay và tất. Điều này giúp bảo vệ da bé khỏi tác động của ánh nắng mặt trời và bụi bẩn trong môi trường, phòng tránh hiện tượng khô da, cháy da, da xỉn màu và da kích ứng.
Không gian sống đảm bảo:
Phòng ngủ của trẻ bị khô da cần được dọn dẹp và vệ sinh thường xuyên để đảm bảo sạch sẽ. Nếu sử dụng điều hòa, cần có giải pháp cân bằng độ ẩm bằng máy tạo ẩm hoặc máy phun sương, vì không khí càng khô thì da bé càng dễ bị kích ứng, khô ráp và bong tróc.
Uống đủ nước mỗi ngày:
Trẻ bị khô da có thể do thiếu ẩm, cơ thể bị thiếu nước. Hãy cho bé uống nhiều nước mỗi ngày để cấp ẩm cho da, ngăn ngừa tình trạng da khô, nứt nẻ và bong tróc. Với trẻ sơ sinh, cần tăng cường cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức.
Tránh các yếu tố gây dị ứng:
Khi trẻ gặp vấn đề da, tránh sử dụng sản phẩm có thể gây dị ứng như sữa tắm, dầu gội, nước xà phòng, nước xả quần áo,… Làn da nhạy cảm của bé dễ bị dị ứng, khô ráp, bong tróc và sưng ngứa khi tiếp xúc với chúng. Hạn chế mặc quần áo chật và len, nilon vì chúng không thoát mồ hôi. Chọn trang phục rộng rãi từ cotton để tránh kích ứng da.
Đưa bé đến gặp bác sĩ:
Nếu trẻ bị da khô kèm theo các triệu chứng như sưng đỏ, ngứa rát, tróc vảy, khó chịu, quấy khóc, đặc biệt là chảy dịch vàng kèm theo sốt, cần nhanh chóng đưa bé đi khám. Có thể bé đã bị chàm bội nhiễm hoặc mắc bệnh eczema. Bác sĩ sẽ thăm khám để xác định nguyên nhân, chẩn đoán bệnh lý và có hướng điều trị phù hợp.