Hội chứng thận hư có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, việc nắm bắt thông tin về căn bệnh này rất quan trọng, giúp bạn có thể nhận biết sớm các dấu hiệu và điều trị kịp thời nếu không may mắc phải.
Tìm hiểu về hội chứng thận hư
Theo Cô Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, thận là cơ quan quan trọng, đảm nhiệm chức năng lọc và đào thải các chất cặn bã ra khỏi máu, đưa ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Khi thận gặp vấn đề như hội chứng thận hư, chức năng này sẽ bị suy giảm, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Hội chứng thận hư bao gồm một loạt các triệu chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến tổn thương màng lọc của cầu thận. Khi đó, protein sẽ thoát ra khỏi cầu thận và đi vào nước tiểu nhiều hơn bình thường. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng trẻ em là nhóm có tỷ lệ mắc cao nhất. Các yếu tố gây tổn thương màng lọc của cầu thận bao gồm:
- Nhiễm trùng: Viêm gan B, C, sốt rét,… hoặc nhiễm độc.
- Tác dụng của một số loại thuốc: Kháng sinh, thuốc kháng viêm không steroid,…
- Bệnh lý: Tiểu đường, lupus ban đỏ hệ thống, amyloidosis, cao huyết áp,…
- Một số bệnh ung thư.
Triệu chứng và biến chứng của hội chứng thận hư
Nếu hội chứng thận hư kéo dài mà không được điều trị, nó có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Vậy làm sao để nhận biết triệu chứng của tình trạng này?
Triệu chứng
Những triệu chứng thường gặp khi chức năng thận suy giảm bao gồm:
- Sưng phù: Xuất hiện ở các vị trí như mắt cá chân, bàn chân, bàn tay, quanh mắt, vùng mặt hoặc toàn thân do tích nước.
- Nước tiểu bất thường: Tiểu ít, nước tiểu có nhiều bọt, xét nghiệm cho thấy có protein trong nước tiểu.
- Cơ thể mệt mỏi: Mất sức, ăn uống kém, buồn nôn, nôn mửa, da xanh xao.
- Tăng cân bất thường: Do ứ nước, trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây tràn dịch đa màng.
Biến chứng
Dược sĩ CK1 Nguyễn Quốc Trung – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cũng cho biết thêm, nếu không điều trị, hội chứng thận hư sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như:
- Suy nhược và suy dinh dưỡng: Cơ thể mất quá nhiều protein khiến cân nặng sụt giảm nghiêm trọng, mặc dù khó nhận biết do cơ thể tích nước. Xét nghiệm thường cho kết quả giảm tế bào hồng cầu, nồng độ vitamin D và canxi trong máu thấp.
- Nguy cơ hình thành cục máu đông cao: Gây nhiều vấn đề về tim mạch, dễ dẫn đến đột quỵ do tăng cholesterol và triglycerid.
- Cao huyết áp: Tăng nguy cơ biến chứng tim mạch do ứ nước và muối.
- Giảm chức năng thận: Chất thải tồn dư trong máu tăng gây độc cho cơ thể. Tình trạng kéo dài dẫn đến suy thận cấp, bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo để lọc máu. Trường hợp nghiêm trọng sẽ chuyển sang suy thận mạn, bệnh nhân phải chạy thận suốt đời hoặc ghép thận.
- Dễ bị nhiễm trùng: Do thiếu hụt một số protein quan trọng đối với chức năng miễn dịch.
Điều trị hội chứng thận hư như thế nào?
Mục đích của việc điều trị là khôi phục khả năng lọc và đào thải của thận, đồng thời ngăn chặn các nguyên nhân gây tổn thương cầu thận. Các biện pháp điều trị cũng tập trung vào kiểm soát các triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Tùy vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Các loại thuốc thường được kê đơn bao gồm:
- Thuốc kiểm soát huyết áp.
- Thuốc lợi tiểu để giảm tình trạng tích nước.
- Thuốc chống đông máu để dự phòng sự hình thành cục máu đông.
- Thuốc ức chế miễn dịch để giảm phản ứng viêm, kiểm soát hoạt động của hệ miễn dịch.
- Nếu có hiện tượng rối loạn chuyển hóa lipid, bác sĩ cũng sẽ kê toa thuốc điều trị thích hợp.
Chẩn đoán và điều trị sớm hội chứng thận hư giúp giảm nguy cơ biến chứng. Nếu có triệu chứng bất thường, nhất là sưng phù, hãy đến cơ sở y tế ngay. Duy trì chế độ ăn lành mạnh, tập luyện và giữ tinh thần lạc quan để hạn chế nguy cơ bệnh.
Khi được chẩn đoán, hạn chế muối và chất béo động vật, bổ sung protein và thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất. Kiểm tra sức khỏe định kỳ và báo ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng bất thường. Không tự mua thuốc hoặc dùng phương pháp dân gian để tránh làm bệnh nặng hơn.