Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới thường do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào đường hô hấp gây ra. Bệnh có thể phát triển ở nhiều mức độ khác nhau và nếu không được kiểm soát kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng như cảm lạnh, viêm phổi,… Thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng này.
Nguyên nhân gây ra hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới
Theo Thầy Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, nguyên nhân chính gây ra hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường là do vi khuẩn và virus tấn công cùng với các yếu tố bên ngoài như môi trường và thói quen sinh hoạt.
Trong số các loại virus gây ra hội chứng này, virus cúm và virus RSV được coi là phổ biến nhất. Chúng có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn từ ho, hắt hơi, nói chuyện của người bệnh hoặc thông qua tiếp xúc với bề mặt chứa mầm bệnh.
Ngoài ra, vi khuẩn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây nên bệnh. Cụ thể, vi khuẩn Haemophilus influenzae và Streptococcus pneumoniae là hai loại phổ biến. Chúng thường tồn tại trong môi trường sống và xâm nhập vào đường hô hấp thông qua hít thở.
Các yếu tố khác như hút thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất độc hại và ô nhiễm không khí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng nguy cơ mắc hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới gây ra triệu chứng gì?
Triệu chứng của hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường biến đổi tùy thuộc vào loại vi khuẩn hoặc virus gây ra và tình trạng sức khỏe của người bệnh:
- Ho và đau họng: Ho là một trong những triệu chứng chính của hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Có thể là ho khan hoặc có đờm, là kết quả của kích thích đường hô hấp do vi khuẩn hoặc virus gây ra và có thể kéo dài. Đau họng xuất hiện do sự tấn công của virus hoặc vi khuẩn vào niêm mạc họng.
- Khó thở: Người mắc hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới có thể gặp khó thở, đặc biệt là trong các trường hợp nghiêm trọng do viêm nhiễm lan rộng đến phế quản và phổi, gây ra tắc nghẽn và suy giảm khả năng hô hấp.
- Sổ và ngạt mũi: Đây là triệu chứng thường gặp khi cơ thể phản ứng lại với vi khuẩn hoặc virus gây ra nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Khi cố gắng loại bỏ tác nhân gây bệnh, cơ thể sẽ tăng sản xuất nước mũi để diễn ra quá trình này dễ dàng.
- Đau ngực: Trong các trường hợp nghiêm trọng, hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới có thể gây đau ngực khi hít thở sâu, thường là do tăng sản xuất đờm hoặc viêm phổi.
- Cảm giác mệt mỏi: Mệt mỏi và cảm giác yếu người là triệu chứng thường gặp khi cơ thể đối phó với vi khuẩn hoặc virus. Mức độ mệt mỏi có thể khác nhau tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh và hệ miễn dịch của mỗi người.
Phương pháp điều trị và phòng ngừa hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới
Theo Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng chia sẻ một số cách điều trị và phòng ngừa hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới:
- Đảm bảo vệ sinh tay: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch cồn là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn và virus. Hãy rửa tay trước và sau khi ăn uống, tiếp xúc với người bệnh hoặc khi đến nơi công cộng để ngăn ngừa lây nhiễm.
- Hạn chế tiếp xúc: Tránh tiếp xúc với những người đang mắc nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi triệu chứng có thể lây lan nhanh chóng qua tiếp xúc gần.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh: Tiêm phòng theo khuyến cáo từ Bộ Y tế có thể giúp ngăn chặn một số loại virus gây bệnh đường hô hấp dưới. Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để biết lịch tiêm phòng phù hợp cho bạn và gia đình.
- Sử dụng thuốc kháng sinh: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới do vi khuẩn gây ra. Hãy tuân thủ đúng liều lượng và thời gian uống thuốc đã được chỉ định.
- Hỗ trợ hô hấp bằng máy thở: Đối với những trường hợp nặng, sử dụng máy thở có thể cần thiết để hỗ trợ quá trình hô hấp và duy trì sự ổn định sức khỏe cho người bệnh.
- Tăng cường miễn dịch: Duy trì thói quen sống lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch. Hãy có chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và giữ cho cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ.
Ngoài ra, để hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường hô hấp dưới, người bệnh cần nghỉ ngơi, giữ ấm tốt, và có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn để cải thiện triệu chứng. Súc miệng nước muối hàng ngày cũng có thể giảm triệu chứng của bệnh.