Nhiễm trùng tiêu hóa là một vấn đề sức khỏe thường gặp, do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng xâm nhập và gây viêm nhiễm trong đường tiêu hóa. Vậy nhiễm trùng tiêu hóa là gì? Làm sao để nhận biết, chẩn đoán và điều trị hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.

Tìm hiểu về nhiễm trùng tiêu hóa
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, nhiễm trùng tiêu hóa là tình trạng viêm nhiễm trong hệ tiêu hóa do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra. Các tác nhân này thường xâm nhập vào cơ thể qua thực phẩm, nước uống bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với người nhiễm bệnh, dẫn đến các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng và sốt.
Thông thường, nhiễm trùng tiêu hóa có thể tự thuyên giảm sau vài ngày, nhưng trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây mất nước trầm trọng và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân nào gây nhiễm trùng tiêu hóa?
Nhiễm trùng tiêu hóa có thể do nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau, trong đó vi khuẩn, virus và ký sinh trùng là những nguyên nhân chủ yếu:
- Vi khuẩn: Đây là một trong những tác nhân hàng đầu gây nhiễm trùng tiêu hóa, phổ biến nhất gồm Escherichia coli (E. coli), Salmonella, Campylobacter, Vibrio cholerae (vi khuẩn gây bệnh tả),…
- Virus: Các loại virus gây nhiễm trùng tiêu hóa thường có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt trong môi trường đông đúc, như Norovirus, Rotavirus (tác nhân chính gây tiêu chảy nặng ở trẻ em), Adenovirus,…
- Ký sinh trùng: Một số ký sinh trùng có thể tồn tại trong đường ruột và gây bệnh, điển hình là Giardia lamblia, Entamoeba histolytica, Cryptosporidium,…
Các triệu chứng khi bị nhiễm trùng tiêu hóa
Triệu chứng nhiễm trùng tiêu hóa có thể dao động từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh. Những biểu hiện thường gặp bao gồm:
- Tiêu chảy: Dấu hiệu đặc trưng của nhiễm trùng tiêu hóa, thường đi kèm đau bụng và nguy cơ mất nước.
- Buồn nôn và nôn: Cơ thể phản ứng bằng cách đào thải vi sinh vật gây bệnh, khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn và nôn ra thức ăn hoặc dịch tiêu hóa.
- Sốt và ớn lạnh: Hệ miễn dịch kích hoạt phản ứng viêm, gây sốt, đôi khi kèm theo ớn lạnh.
- Mất nước: Tiêu chảy kéo dài và nôn có thể dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải, biểu hiện qua khô miệng, khát nước nhiều, tiểu ít, mệt mỏi,…
- Đi ngoài phân có máu: Trong trường hợp nghiêm trọng, vi khuẩn gây tổn thương niêm mạc ruột, khiến phân có lẫn máu.
Phương pháp điều trị nhiễm trùng tiêu hóa

Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, nhiễm trùng tiêu hóa là một bệnh lý phổ biến, có thể gây mất nước, rối loạn điện giải và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Phương pháp điều trị chủ yếu bao gồm bù nước, điều chỉnh chế độ ăn uống và sử dụng thuốc khi cần thiết.
Bù nước và điện giải
Mất nước và rối loạn điện giải là biến chứng thường gặp, đặc biệt khi tiêu chảy hoặc nôn nhiều. Việc bù nước là ưu tiên hàng đầu, người bệnh có thể sử dụng dung dịch Oresol, nước lọc, nước cháo loãng hoặc nước dừa để bổ sung lượng nước đã mất.
Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng (biểu hiện khát nước nhiều, da khô, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ), cần truyền dịch tĩnh mạch như NaCl 0,9% hoặc Ringer lactate để cân bằng điện giải.
Kiểm soát triệu chứng
Sốt: Nếu sốt trên 38,5°C, có thể dùng Paracetamol (10-15 mg/kg/lần, mỗi 4-6 giờ).
Tiêu chảy: Có thể dùng Smecta (Diosmectite) để bảo vệ niêm mạc ruột. Loperamid chỉ nên dùng khi không có sốt và tiêu chảy không do vi khuẩn xâm nhập.
Buồn nôn, nôn: Uống nước từng ngụm nhỏ hoặc dùng Domperidon theo chỉ định bác sĩ để giảm nôn ói.
Sử dụng kháng sinh khi cần thiết
Không phải mọi trường hợp nhiễm trùng tiêu hóa đều cần kháng sinh. Thuốc chỉ được chỉ định khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng như sốt cao, tiêu chảy phân máu hoặc tiêu chảy kéo dài trên 7 ngày không cải thiện. Các loại kháng sinh thường dùng gồm Azithromycin, Ciprofloxacin, Metronidazole,… Việc tự ý dùng kháng sinh có thể gây kháng thuốc, vì vậy cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hỗ trợ tiêu hóa bằng men vi sinh
Men vi sinh (Probiotics) giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm triệu chứng tiêu chảy và hỗ trợ tiêu hóa phục hồi nhanh hơn sau nhiễm trùng.
Chế độ dinh dưỡng
Người bệnh nên ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu như cháo, súp, chuối, bánh mì khô và tránh đồ cay nóng, dầu mỡ, sữa có lactose. Hạn chế rượu bia, cà phê và nước có gas để giảm tiêu chảy.
Đến cơ sở y tế ngay nếu có các dấu hiệu: mất nước nghiêm trọng, sốt trên 39°C, co giật, tiêu chảy phân máu hoặc đau bụng dữ dội.
Phương pháp phòng ngừa nhiễm trùng tiêu hóa
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng tiêu hóa, hãy:
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Ăn chín, uống sôi, tránh thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín kỹ.
- Dùng nước sạch, tránh nguồn nước ô nhiễm.
- Tiêm vaccine phòng bệnh, đặc biệt là vaccine Rotavirus cho trẻ em.