Thận nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ mỡ trong thận, đặc biệt tại ống thận, gây ảnh hưởng đến chức năng lọc và bài tiết. Vậy bệnh lý này có nguy hiểm không và phương pháp điều trị nào hiệu quả?

Thận nhiễm mỡ nghiêm trọng thế nào?
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM, Bệnh thận nhiễm mỡ có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, xảy ra khi mỡ tích tụ trong ống thận, làm suy giảm chức năng của cơ quan này. Đây là một tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Tăng mỡ máu: Suy giảm chức năng thận khiến gan phải hoạt động nhiều hơn, làm tăng mức cholesterol và triglyceride trong máu.
- Hình thành cục máu đông: Mất albumin trong máu do suy thận làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch, ảnh hưởng đến tuần hoàn và có thể gây nguy hiểm.
- Tổn thương thận cấp tính: Mỡ tích tụ kéo dài gây viêm nhiễm, tổn thương mô thận, thậm chí có thể dẫn đến suy thận hoặc mất hoàn toàn chức năng thận.
Thận nhiễm mỡ có triệu chứng gì?
Người mắc bệnh thận nhiễm mỡ có thể gặp phải những dấu hiệu bất thường như:
- Phù toàn thân, đặc biệt ở tay và chân: Đây là triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân mắc bệnh thận. Khi màng lọc cầu thận bị tổn thương, các lỗ lọc giãn rộng, dẫn đến mất albumin, làm suy giảm khả năng giữ nước trong mạch máu. Hậu quả là nước thoát ra ngoài gây phù toàn thân, thậm chí có thể dẫn đến tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim, phù não và nguy cơ tử vong.
- Chán ăn, sụt cân nhanh: Thận có nhiệm vụ loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Khi chức năng thận suy giảm do nhiễm mỡ, độc tố tích tụ thay vì được đào thải, khiến người bệnh mệt mỏi, thiếu năng lượng. Điều này dẫn đến tình trạng chán ăn, mất cảm giác ngon miệng và giảm cân nhanh chóng.
- Đi tiểu ít, nước tiểu đậm màu: Sự ứ nước trong tế bào khiến lượng nước tiểu bài tiết xuống bàng quang giảm đáng kể, làm số lần đi tiểu ít hơn bình thường. Đồng thời, nước tiểu có màu vàng sậm do nồng độ chất thải trong nước tiểu tăng cao.
Nguyên nhân gây ra thận nhiễm mỡ

Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, thận nhiễm mỡ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó những nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Hội chứng thận hư nguyên phát: Xuất phát từ chính các tổn thương trong thận, làm ảnh hưởng đến chức năng lọc và bài tiết.
- Hội chứng thận hư thứ phát: Không trực tiếp bắt nguồn từ thận mà do tổn thương ở các cơ quan khác, gián tiếp tác động đến thận.
- Dư thừa protein trong nước tiểu: Làm suy giảm sức đề kháng, giảm nồng độ protein trong máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đồng thời, lượng nước tiểu giảm dẫn đến tình trạng ứ nước và phù.
- Thói quen sinh hoạt không khoa học: Chế độ ăn nhiều muối, dầu mỡ, sử dụng rượu bia thường xuyên, thức khuya, làm việc quá sức,… có thể làm tăng nguy cơ thận nhiễm mỡ.
- Mỡ máu cao: Khi lipid trong máu tăng cao, quá trình tổng hợp protein bị rối loạn, làm tích tụ chất béo trong thận, ảnh hưởng đến chức năng lọc.
- Giảm albumin máu: Albumin là một protein quan trọng với mức bình thường dao động từ 35-50g/L. Khi nồng độ albumin giảm, đặc biệt do các bệnh lý như viêm cầu thận, viêm thận,…, nguy cơ tích tụ mỡ tại thận cũng tăng cao.
Điều trị thận nhiễm mỡ như thế nào?
Bác sĩ không thể chỉ dựa vào các triệu chứng như phù toàn thân, chán ăn, sụt cân nhanh, tiểu ít,… để chẩn đoán bệnh mà còn có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các phương pháp như xét nghiệm máu (đánh giá creatinin, ure, acid uric, albumin, lipid, tổng phân tích tế bào máu), xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra chức năng cầu thận, siêu âm, chụp CT hoặc MRI nhằm đánh giá kích thước, cấu trúc và sự tích tụ mỡ trong thận.
Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Một số phương pháp thường được áp dụng trong điều trị thận nhiễm mỡ bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu: Giúp đào thải nước và muối qua thận, tăng lượng nước tiểu, giảm tình trạng phù.
- Truyền albumin: Áp dụng cho bệnh nhân thiếu albumin nghiêm trọng, có thể truyền tĩnh mạch hoặc tiêm nhằm duy trì áp lực keo trong mạch máu, ngăn ngừa rò rỉ dịch qua thành mạch.
- Thuốc hạ huyết áp: Dành cho bệnh nhân có kèm tăng huyết áp, giúp bảo vệ thận và phòng ngừa biến chứng.
- Kháng sinh: Chỉ định khi có nhiễm trùng, viêm thận hoặc viêm đường tiết niệu.
Bên cạnh đó, duy trì lối sống khoa học giúp kiểm soát bệnh hiệu quả:
- Vận động thường xuyên với cường độ phù hợp.
- Ngủ đủ giấc (8 tiếng/ngày), tránh thức khuya.
- Dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung thực phẩm giàu đạm (các loại thịt), vitamin (rau xanh, trái cây), ưu tiên chất béo không bão hòa (bơ, cá hồi, dầu ô liu, dầu đậu nành).