Bị chuột rút khi ngủ vào ban đêm là một vấn đề phổ biến ở những người cao tuổi. Mặc dù không nguy hiểm, nhưng loại chuột rút này có thể gây nên nhiều cảm giác không thoải mái và gây khó ngủ vào ban đêm.
Ai hay bị chuột rút khi ngủ?
Theo Dược sĩ CK1 Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, chuột rút khi ngủ thường xảy ra ở người cao tuổi. Khoảng 33% người từ 60 tuổi trở lên và gần 50% người từ 80 tuổi trở lên thường gặp hiện tượng này vào ban đêm. Trong số những người này, khoảng 40% bị chuột rút khi ngủ có tần suất khoảng 3 lần một tuần, và một số trường hợp có thể xảy ra hàng ngày.
Chuột rút là sự co thắt cơ đột ngột không tự ý, thường xảy ra ở cơ bắp chân, đôi khi là ở cơ đùi và cơ bàn chân. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường gia tăng dần theo độ tuổi. Người khỏe mạnh cũng có thể gặp phải chuột rút vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, nếu chuột rút khi ngủ tái phát nhiều lần, bệnh nhân cần đi khám và chẩn đoán chính xác để loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn có thể gây ra tình trạng này.
Nguyên nhân phổ biến gây ra chuột rút khi ngủ
Lạnh chân: Luồng gió từ bên ngoài hoặc từ quạt vào ban đêm có thể làm lạnh chân, là nguyên nhân gây chuột rút.
Vận động quá sức: Hoạt động vượt quá khả năng của cơ thể vào ban ngày có thể làm mệt mỏi cơ bắp và gây chuột rút vào ban đêm.
Thiếu nước và mất cân bằng điện giải: Mất nước và chất điện giải trong quá trình vận động quá mức hoặc phơi nắng lâu có thể dẫn đến chuột rút khi ngủ.
Tuần hoàn máu kém: Đứng lâu, ngồi lâu hoặc duy trì các tư thế ngủ không đúng cách có thể làm giảm tuần hoàn máu gây ra hiện tượng chuột rút.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Chế độ ăn uống không cân bằng, thiếu canxi, magie, kali và các khoáng chất cần thiết có thể dẫn đến chuột rút lúc ngủ.
Phụ nữ mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ và sự tăng cân có thể gây chuột rút vào ban đêm.
Bệnh lý về thận: Theo Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cho biết thêm, những bênh nhân suy thận hoặc mắc các bệnh lý khác liên quan đến chức năng thận suy giảm có thể dẫn chuột rút.
Rối loạn nội tiết: Các rối loạn nội tiết như rối loạn chức năng tuyến giáp và các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, mỡ máu cao cũng có thể gây chuột rút khi ngủ.
Tâm trạng căng thẳng, lo lắng: Căng thẳng và lo lắng quá mức có thể gây ra rối loạn nội tiết và chuột rút vào ban đêm.
Tư thế ngủ không đúng: Duy trì các tư thế ngủ không đúng cách hoặc kéo dài trong thời gian dài có thể là nguyên nhân của chuột rút.
Để giảm nguy cơ bị chuột rút khi ngủ, hãy duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh, giữ các tư thế ngủ phù hợp, đảm bảo bổ sung đủ nước và các chất dinh dưỡng cần thiết. Nếu tình trạng chuột rút xảy ra nhiều lần, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được khám và chẩn đoán rõ ràng.
Cần làm gì để hạn chế chuột rút khi ngủ?
Để giảm nguy cơ chuột rút vào ban đêm, người bệnh nên thực hiện những biện pháp sau đây:
- Vận động và tập thể dục đều đặn: Thường xuyên vận động giúp cải thiện lưu thông khí huyết. Trước khi đi ngủ, nên thực hiện các động tác vận động nhẹ nhàng cho cơ bắp hoặc tập kéo căng cơ bắp chân trong vài phút để giảm nguy cơ chuột rút.
- Bổ sung nước và điện giải: Sau khi làm việc nặng hoặc ra nhiều mồ hôi, cần phải bổ sung nước kèm muối ăn để cân bằng điện giải và tránh mất nước. Uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày (khoảng 1,5 – 2 lít) cũng rất quan trọng.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Nên bổ sung nhiều rau và trái cây vào các bữa chính. Sau mỗi bữa ăn, cần bổ sung thêm các loại trái cây như chuối, nho, đậu, cam, mơ, đu đủ, xoài, sầu riêng, lựu, lê để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
- Điều trị các bệnh lý kèm theo: Đối với những người có các bệnh như đái tháo đường, huyết áp cao, tim mạch, loãng xương, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, rối loạn chuyển hóa, hoặc bệnh về thần kinh, nên điều trị và giải quyết các triệu chứng kịp thời.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe: Nếu tình trạng chuột rút khi ngủ không cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp trên và tái phát nhiều lần, người bệnh nên đến kiểm tra sức khỏe để xác định nguyên nhân cụ thể và nhận điều trị phù hợp.
Những biện pháp này giúp giảm thiểu nguy cơ chuột rút vào ban đêm và cải thiện sức khỏe chung của người bệnh.