Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ cha mẹ cần nhận biết

5

Sốt xuất huyết là mối lo ngại lớn do tỷ lệ mắc bệnh và tử vong vẫn còn cao, đặc biệt khi ảnh hưởng đến trẻ em. Vì căn bệnh này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và để lại nhiều biến chứng, nên các bậc phụ huynh cần hiểu rõ các dấu hiệu của sốt xuất huyết ở trẻ để có thể điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết ở trẻ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng
Sốt xuất huyết ở trẻ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Những biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ

Cô Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, với nhiều triệu chứng phức tạp do bệnh diễn biến rất nhanh. Bệnh thường trải qua các giai đoạn khác nhau như sau:

Giai đoạn đầu:

Ở giai đoạn này, thường gọi là giai đoạn sốt, trẻ sẽ bị sốt cao liên tục, dẫn đến tình trạng quấy khóc, bứt rứt. Trẻ cảm thấy đau đầu dữ dội, không muốn ăn, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, đau hốc mắt, nhức khớp, và có thể bị chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng. Xét nghiệm Hematocrit (hồng cầu) thường ở mức bình thường, nhưng số lượng tiểu cầu và bạch cầu có xu hướng giảm.

Giai đoạn nguy hiểm:

Giai đoạn từ ngày thứ 3 đến thứ 7 sau khi nhiễm bệnh có thể thấy cơn sốt giảm, nhưng bụng có thể chướng to và huyết tương thoát mạch ồ ạt. Nguy cơ tử vong cao do trẻ có thể bị tràn dịch màng phổi, gan và bụng to, mắt phù nề. Các triệu chứng sốc như mệt mỏi, da lạnh, mạch nhanh, và huyết áp thấp có thể xuất hiện. Xuất huyết dưới da, mảng bầm, chảy máu chân răng, và tiểu ra máu có thể xảy ra, nhưng một số trẻ có thể không có dấu hiệu xuất huyết rõ ràng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong. Xét nghiệm máu có thể cho thấy giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu, trong khi thăm khám có thể thấy giảm thân nhiệt, huyết áp thấp, và giảm tri giác.

Giai đoạn phục hồi:

Sau giai đoạn nguy hiểm, trẻ sẽ bước vào giai đoạn phục hồi. Lúc này, cơn sốt giảm, trẻ có cảm giác thèm ăn trở lại, huyết áp ổn định và đi tiểu nhiều hơn. Chỉ số bạch cầu sẽ tăng nhanh, trong khi chỉ số tiểu cầu tăng chậm, và các chỉ số xét nghiệm sẽ dần trở lại mức bình thường.

Điều trị sốt xuất huyết cho trẻ tại nhà như thế nào?

Có thể điều trị sốt xuất huyết ở trẻ nếu trường hợp nhẹ và được phát hiện sớm
Có thể điều trị sốt xuất huyết ở trẻ nếu trường hợp nhẹ và được phát hiện sớm

Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, sau khi nhận diện các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời. Với những trường hợp sốt xuất huyết nhẹ và được phát hiện sớm, trẻ có thể được điều trị ngoại trú và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ. Để điều trị hiệu quả, bố mẹ cần lưu ý các điểm sau:

    • Nếu trẻ bị sốt cao trên 39°C, có thể sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ và nới lỏng quần áo để cơ thể trẻ thông thoáng. Tránh sử dụng aspirin hoặc ibuprofen vì chúng có thể gây ra tác dụng phụ liên quan đến xuất huyết.
    • Đảm bảo trẻ uống đủ nước và điện giải thường xuyên, cho trẻ ăn cháo để bổ sung dinh dưỡng. Nên chia nhỏ bữa ăn và làm loãng thức ăn để dễ tiêu hóa. Tránh cho trẻ ăn thực phẩm hoặc uống nước sẫm màu để tránh nhầm lẫn với các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa.
    • Hạn chế cho trẻ vận động nhiều trong thời gian bị sốt xuất huyết.
    • Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc ăn uống do nôn ói, mệt mỏi, mất tỉnh táo, da xuất huyết, tứ chi lạnh, hoặc bụng đau, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.

Phương pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ

Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cho trẻ, bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau để kiểm soát muỗi và bọ gậy:

    • Đậy kín các dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi sinh sản.
    • Nuôi cá bảy màu hoặc cá sóc trong các bể chứa nước để ăn bọ gậy.
    • Vệ sinh các dụng cụ chứa nước ít nhất một lần mỗi tuần. Dọn dẹp rác thải và phế liệu quanh nhà, không để muỗi phát triển trong các vật dụng như lốp xe hay ống bơ.
    • Úp ngược các vật dụng chứa nước khi không sử dụng và duy trì môi trường sống khô ráo, sạch sẽ.
    • Cho trẻ mặc quần áo dài tay khi muỗi hoạt động mạnh.
    • Ngủ dưới màn và kéo rèm nếu sống trong khu vực có nhiều muỗi.
    • Sử dụng vợt điện, phun thuốc diệt muỗi, hoặc bôi kem chống muỗi an toàn cho trẻ.

Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, do đó, việc phòng ngừa là cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh. Theo dõi sức khỏe của trẻ và nhận diện sớm các dấu hiệu bất thường là rất quan trọng để có biện pháp điều trị kịp thời.

Nguồn: https://caodangyduocdaklak.com/